Trình bày tờ trình về nội dung kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14 (diễn ra vào cuối năm nay), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 18 ngày được chia làm hai đợt. Đợt một họp trực tuyến 9 ngày từ 19 đến 28/10. Đại biểu nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận 6 dự án luật, một dự thảo nghị quyết trình thông qua; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp.
"Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị thực hiện vào đợt một để các cơ quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi thông qua tại đợt hai", ông Phúc lý giải.
Đợt hai, Quốc hội họp tập trung 9 ngày từ 3 đến 12/11 thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng 13; thảo luận 4 dự án luật. Cũng trong đợt này, Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 toàn quốc, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đề xuất chất vấn trực tuyến không được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng nên chất vấn ở đợt hai, sau thảo luận về kinh tế - xã hội. Khi đó, đại biểu sẽ xác định được trách nhiệm của các trưởng ngành với từng vấn đề, làm cơ sở chất vấn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói, phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 rất đặc biệt vì sẽ kiểm lại kết quả thực hiện cả nhiệm kỳ của Chính phủ, Quốc hội. "Gọi là chất vấn nhưng thực ra là trao đổi về những kết quả đã làm được và chưa làm được của các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng như của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa rồi nên cần chất vấn trực tiếp ở đợt họp thứ hai", ông Dũng đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà nhận được ý kiến kỳ họp thứ 9 vừa qua "hơi thiếu lửa" vì không có chất vấn và trả lời chất vấn. Vì vậy, bà nhất trí nội dung thảo luận kinh tế - xã hội thực hiện trước, sau đó mới đến chất vấn. "Kỳ họp thứ 10 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 theo đúng luật. Phiên chất vấn và thảo luận kinh tế xã hội sẽ đưa vào đợt hai, họp trực tiếp", bà Ngân nói.
Kỳ họp cuối năm 2020 này, Quốc hội sẽ chất vấn tất cả nội dung từ đầu nhiệm kỳ tới nay chứ không lựa chọn các Bộ trưởng đăng đàn. "Dính vấn đề nào, liên quan tới cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải trả lời", bà Ngân cho hay.
Thời gian chất vấn, trả lời chất vấn là 2,5 ngày, bố trí phù hợp với hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước vì năm nay Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.