Theo AP, thỏa thuận sẽ cho phép các công ty của Mỹ gia nhập thị trường đang rộng mở của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa hai nước được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10 năm ngoái, bên lề hội nghị cấp cao Đông Á tại Brunei. Thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn hồi tháng hai và đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua chính thức.
Ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ, vốn phải đối mặt với sức cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, đang kỳ vọng vào việc thông qua thỏa thuận này. Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ ước tính thỏa thuận giữa hai nước có thể mang lại khoảng 10-20 tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ.
Các nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí hạt nhân và một số nghị sĩ lo ngại thỏa thuận thiếu các điều khoản cấm Việt Nam tự làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium. Đây được coi là những điều kiện có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên trước đó, Việt Nam đã ký kết một bản ghi nhớ không ràng buộc với Mỹ, cam kết không tìm kiếm các nguồn lực này. Việt Nam cũng là thành viên tham gia các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân quốc tế.
Thỏa thuận do Mỹ đề xuất là một tín hiệu thúc đẩy quan hệ giữa Washington và Hà Nội sau hơn hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nó đồng thời phản ánh nỗ lực đẩy mạnh chính sách ngoại giao tại châu Á của Tổng thống Barack Obama.
Việt Nam dự kiến sản xuất 10.000 Megawatt điện hạt nhân cho đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng. Việt Nam cũng ký kết hai thỏa thuận với Nga về xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân cho đến năm 2020 và thỏa thuận xây hai lò phản ứng với Nhật Bản.
Thùy Linh