"Khả năng thành công của chiến lược (phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên) không cao nhưng tôi nghĩ tất cả đều có cái nhìn thực tế về vấn đề này", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tim Kaine cho biết cuộc họp kín thành công tốt đẹp, Hill ngày 6/3 đưa tin.
Trong 90 phút báo cáo trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 5/3, đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun trình bày chi tiết diễn tiến tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội đồng thời nêu ra những nỗ lực ngoại giao tiếp theo. Sau khi rời phòng họp, Biegun từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông này có sắp đến Bình Nhưỡng hay không. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ hy vọng sẽ sớm cử một nhóm công tác tới Triều Tiên.
Tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Tổng thống Trump cho rằng nguyên nhân bất đồng là do Bình Nhưỡng yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt. Phía Triều Tiên phủ nhận và tuyên bố lãnh đạo Kim Jong-un chỉ muốn gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy việc phá hủy tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon.
Đánh giá sau cuộc họp kín, thượng nghị sĩ Kaine đề cao nỗ lực đàm phán của đặc phái viên Biegun. "Họ đã có thể đạt được một thỏa thuận nếu Biegun có quyền quyết định", thượng nghị sĩ này cho rằng vấn đề nằm ở Bình Nhưỡng. "Tôi nghĩ Biegun đã gặp khó khăn với phía đàm phán bên kia".
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa cho rằng đặc phái viên Biegun đã trình bày rõ ràng và khúc chiết về kết quả hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. "Cuộc họp này có lẽ là một trong những cuộc họp hiệu quả nhất mà tôi từng tham dự", nghị sĩ Graham nhận xét.
Một số thượng nghị sĩ Dân chủ, sau cuộc họp, cho rằng Tổng thống Trump không có lựa chọn nào khác ngoài rời hội nghị Hà Nội nhằm gây áp lực khiến Bình Nhưỡng suy nghĩ lại về những gì họ đem đặt lên bàn đàm phán.
"Tôi hy vọng họ (chính quyền Trump) đã đúng khi cho rằng diễn biến này sẽ thúc đẩy một vòng đàm phán mới", thượng nghị sĩ Dân chủ Murphy nói, tuy nhiên, ông này cũng tỏ ra thận trọng. "Lịch sử đã từng lặp lại nhiều lần và không ai ngạc nhiên nếu những vòng đàm phán này không đi đến đâu và không có tin tức gì mới trong vòng 10 năm nữa".
Phái đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc ngày hôm qua đã lên đường đến Mỹ để thảo luận về các cách thức duy trì nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trong khi đó, hãng tin Yonhap vừa đưa tin cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc phát hiện dấu hiệu Bình Nhưỡng khôi phục bãi phóng thử tên lửa Tongchang-ri, vốn được cho là đã bị phá bỏ hồi năm ngoái sau hội nghị lần đầu tại Singapore.
An Hồng