Tốt nghiệp khoa Công nghệ tin học, Đại học Mở Hà Nội năm 2003, nhưng "cái duyên" đã đưa đẩy thượng úy Ngụy Duy Phương đến với ngành công an sau dịp thi tuyển nhân sự phục vụ cho SEA Games 22. Hơn 2 năm công tác tại Đội tuần tra Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Tây cũ), anh chuyển sang môi trường làm việc mới với công việc đăng ký, quản lý xe tại đội Cảnh sát giao thông trật tự phản ứng nhanh - Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội).
“Đang từ ngày ngày tiếp xúc với nắng mưa, với các loại tội phạm khi chuyển sang làm giấy tờ, quản lý phương tiện khiến tôi ban đầu không khỏi cảm thấy nhàm chán”, thượng úy Phương chia sẻ.
Tuy nhiên sau nhiều lần phát hiện việc tẩy xóa đăng ký, đục số máy, số khung... giúp cơ quan điều tra truy bắt được kẻ trộm xe, anh thấy gắn bó với công việc mới hơn. “Thấy vẻ vui mừng của người bị mất xe khi nhận lại tài sản, mình thấy hạnh phúc và tự hào với công việc đang làm, là động lực để phấn đấu”, anh trải lòng.
Năm 2012 khi làm thủ tục sang tên đổi chủ cho chiếc AirBlade vừa được bán, anh phát hiện phôi đăng ký xe bị tẩy xóa. "Soi" kỹ hơn, anh nhận ra tên xe được viết khác với thường lệ.
Nghi ngờ đây là xe gian đã được "phù phép" để bán cho người tiêu dùng, anh Phương tới Phòng cảnh sát giao thông kiểm tra số khung, số máy và cho thấy chủ xe là cô sinh viên tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Tuy nhiên qua kiểm tra dữ liệu thì không thấy việc chủ xe trình báo bị mất cắp.
Anh Phương tiếp tục liên hệ với Công an quận Hai Bà Trưng tìm hiểu hồ sơ gốc đăng ký của chiếc xe để liên hệ với cô sinh viên này. Đúng như anh đoán, xe bị mất từ năm 2011 nhưng cô không trình báo công an. "Khi tôi nói đến gặp để xác minh chiếc xe, cô ấy không tin là có thể tìm lại được", anh kể.
Năm 2012 cùng với thành tích triệt phá nhiều trường hợp xe sai phạm, anh Phương được Giám đốc Công an thành phố tặng bằng khen khi phát hiện trường hợp trốn thuế của một công ty tư nhân ở Nam Định. Toàn bộ xe mang nhãn hiệu của một doanh nghiệp chính hãng bị công ty tư nhân này thay bằng nhãn hiệu khác, dưới dạng lắp ráp linh kiện ghi trong phiếu xuất xưởng.
Qua kiểm tra, thượng úy Phương phát hiện cách đóng số khung, số máy và phông chữ xe của công ty này trùng khớp với doanh nghiệp chính hãng, xe được nhập khẩu nguyên chiếc tại Nhật, không phải lắp ráp linh kiện. Sau khi gửi thông số cho hãng này kiểm tra, anh nhận được thông báo xác nhận là sản phẩm của họ. Công ty tư nhân kia sau đó phải lập xử phạt.
Mỗi ngày phải xử lý hàng trăm hồ sơ đăng ký xe, áp lực công việc cao nhưng nghĩ đến các đồng đội ở những lực lượng khác còn vất vả hơn nhiều, anh tâm sự lại tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Theo anh, cái khó là công tác quản lý xe hiện nay đang "cát cứ", quận nào thì quận đó quản lý. Vì thế việc xác minh xe trộm cắp, trả lại tài sản cho người bị mất gặp khó khăn, trong khi kẻ gian dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó.
Thượng úy Phạm Văn Chiến (Đội phó Cảnh sát giao thông trật tự phản ứng nhanh) đánh giá anh Phương là cán bộ hăng say và tâm huyết với công việc, luôn áp dụng công nghệ tin học vào việc phát hiện xe gian. Năm 2013 với thành tích phát hiện 26 vụ sai phạm, anh được nhận bằng khen của Bộ Công an.
Lường Toán