Cuộc gọi đầu tiên hơn 13h chiều 15/6, gia đình báo cho Hoàng biết bà nội anh vừa qua đời ở tuổi 99 tại quê nhà Sầm Sơn. Thượng úy 31 tuổi, cán bộ Tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 4, thuộc Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ, Bộ Tư lệnh CSCĐ khi ấy đang trực chốt chống dịch ở xã Thái Đào, huyện Lạng Giang.
Từ tâm dịch Bắc Giang, anh kể đã chuẩn bị tinh thần đón nhận tin xấu bởi bà nội ốm gần một năm nay. Đang làm nhiệm vụ không thể về chịu tang, qua điện thoại, anh gửi gắm người thân lo hậu sự cho bà, hẹn hết dịch sẽ về thắp hương. Bà nội Hoàng ở cùng con cháu nhiều năm. Anh là cháu trai thứ, được bà nội bế bồng từ bé.
Hôm ấy là ngày thứ 26 trung đoàn chi viện chống dịch ở xã Thái Đào. 220 cán bộ chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường cho các chốt chống dịch ở Bắc Giang từ ngày 20/5. Có hai tiếng chuẩn bị trước khi lên đường, Hoàng không cho gia đình biết, sau hai ngày đến nơi mới báo tin. Bố anh, ông Lê Nhữ Hồng, một cựu chiến binh trong quân đội biết chuyện, chỉ dặn dò con "Đi chống dịch tác phong cho chuẩn chỉ". Từ dịp nghỉ lễ 30/4, cậu con trai chưa về thăm nhà vì bận nhiệm vụ, dù đơn vị chỉ cách hơn chục cây số.
Hơn 19h30 cùng ngày, Thượng úy Hoàng nhận thêm một cuộc điện thoại từ người anh họ, giọng nghèn nghẹn hỏi liệu có về được không. Mấy phút sau, anh họ mới chịu báo tin bố Hoàng mất đột ngột. Thượng úy công an nghe xong chân tay bủn rủn "chẳng nhớ nước mắt trào ra thế nào". Bảy tiếng trước, trong cuộc gọi nhận tin bà nội mất, anh vẫn còn trông thấy bố chuẩn bị khâm liệm cho bà. Ông Hồng, 65 tuổi, qua đời sau cơn đột quỵ tối 15/6. Người nhà đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhưng không qua khỏi.
Thiếu tá Vũ Tiến Cường, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ, cho biết khi nhận được tin đã báo cáo lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và thông tin với Công an tỉnh Bắc Giang. Mất hai người thân cùng lúc, đơn vị chủ trương tạo điều kiện cho thượng úy Hoàng về chịu tang bố và bà. Anh và người lái xe được lấy mẫu xét nghiệm, âm tính Covid-19 ngay trong đêm. Song khi trao đổi lại với y tế TP Sầm Sơn, biết quy định phải cách ly 21 ngày với người từ vùng dịch, Hoàng đã xin ở lại.
Biết nhiều câu chuyện chịu tang người thân từ nơi cách ly, chống dịch, nhưng thiếu tá Cường nói chưa bao giờ gặp chuyện đau lòng như chiến sĩ của mình, khi cả hai người thân ra đi cùng ngày. Đơn vị đã lập bàn thờ, đặt di ảnh bà và bố thượng úy Hoàng tại hội trường UBND xã Thái Đào. Trung đoàn cử thêm một tổ công tác đang ứng trực tại Thanh Hóa về gia đình động viên, tổ chức an táng người thân thay anh.
Cùng lúc với lễ tang tại quê nhà Thanh Hóa, một lễ viếng được tổ chức ngay tại nơi chống dịch. Lãnh đạo địa phương, người dân Thái Đào biết tin đã chia buồn với anh Hoàng. Địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nên một số người thay mặt vào thắp hương, còn lại đứng từ xa vái vọng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, Chánh văn phòng UBND TP Sầm Sơn, cho hay gia đình Thượng úy Hoàng có hai anh em trai. Anh cả làm lao động tự do trong TP HCM, nơi đang bùng dịch cũng không kịp về tổ chức tang lễ cho người thân. Việc an táng của bố anh diễn ra sau bà nội một ngày, theo phong tục địa phương.
Đơn vị để anh Hoàng nghỉ ngơi hết ngày 17/6 khi đã lo xong việc nhà. Ngày mai, thượng úy công an tiếp tục trực chốt chống dịch tại ngã ba Thái Đào, cho đến khi xong nhiệm vụ mới về quê.
Lê Hoàng - Hồng Chiêu