Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Quốc phòng, nói như trên trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, chiều 23/10.
- Thưa ông, đến nay Bộ Quốc phòng đã xuất cấp hơn 70 tấn lương khô, hàng nghìn phương tiện, vật chất khác cho các tỉnh miền Trung để hỗ trợ người dân vùng lũ. Việc cấp phát đang được thực hiện như thế nào?
- Vừa rồi Quân đội đã cấp hàng loạt phương tiện vận chuyển như cano hay phương tiện giao thông nhỏ cho các tỉnh. Chúng tôi cũng đảm bảo lực lượng vận tải như xe của Quân khu 4 và hàng nghìn bộ đội tham gia cứu hộ, khiêng vác, vận chuyển hàng cứu trợ. Quân chủng Phòng không Không quân cũng điều trực thăng bay cứu hộ và vận chuyển hàng đến những nơi bị cô lập. Hôm nay, có 4 đến 5 chuyến trực thăng đã cất cánh đưa hàng đến cho người dân miền Trung.
Lương khô và các hàng hóa cần thiết khác, trong sáng hôm nay (23/10), đã vào các tỉnh của Quân khu 4 như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Hiện hàng đang được các lực lượng chuyển đến địa bàn, cấp phát cho người dân. Nhiều trực thăng trực ở sân bay Phú Bài (Huế), Đà Nẵng, Nghệ An, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
- Là người tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, ông đánh giá thế nào về việc hỗ trợ người dân thời gian qua?
- Tôi là dân miền Trung, việc cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn này tôi là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Nhìn chung, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt là Quân đội đã tham gia tích cực từ con người đến cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện; kịp thời cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, có một vấn đề rút ra trong cứu hộ, cứu nạn những năm vừa qua là việc đưa hàng cứu trợ đến với người dân có nơi, có lúc không được tổ chức chặt chẽ, không đến nơi đến chốn, hàng không đến người dân, thời gian chậm, chất lượng thấp.
Thứ hai là sử dụng hàng hóa ở một số địa phương không đúng mục đích; hàng được đưa vào kho dự trữ, hết đợt lũ lụt mới đưa ra thì không hiệu quả, không có chất lượng và khiến hàng hóa xuống cấp. Như thế là không tốt.
Vấn đề nữa là có nơi một số người đi làm nhiệm vụ sử dụng hàng đó không đúng mục đích, như lấy một số hàng hóa chuyển đến những nơi không đúng đối tượng. Ví dụ như, lương khô được sử dụng cho cán bộ làm quà, không chuyển đến nơi cần, nhất là người dân bị thiệt hại. Đó là những chuyện xảy ra ở những lần khắc phục lũ lụt, thiên tai trước đây. Dù hiện nay chưa phát hiện tình trạng này, nhưng tôi đưa ra để cảnh tỉnh, cảnh báo, đề nghị lãnh đạo địa phương ngăn chặn ngay, để hàng hóa đến người dân được hưởng.
Hiện nay, qua khảo sát, hàng hóa cứu trợ ứ đọng nhiều, đặc biệt là hàng hóa từ những nơi khác đưa tới một số tỉnh miền Trung, chưa vận chuyển đến nơi người dân có nhu cầu. Lý do là không có phương tiện hoặc không có phương pháp tiếp cận khoa học, các tổ chức ở địa phương chưa có lực lượng để tiếp nhận và phân phối hàng kịp thời.
Vì vậy, tôi đề nghị địa phương xem xét, cái gì người dân cần nhất như điều kiện về nơi ăn, chốn ở, điều kiện sinh hoạt, thuốc men phòng chống dịch bệnh, nhà cửa, phương tiện đi lại, thóc giống, vật nuôi, cây trồng..., thì nhanh chóng hỗ trợ để đời sống nhân dân nhanh chóng được khôi phục trở lại. Trong đó, cần đặc biệt phòng chống, không để dịch bệnh xảy ra đối với người và gia súc gia cầm.
- Hàng hóa đang ùn ứ ở những địa phương nào và theo ông, đâu là giải pháp để xử lý?
- Những nơi lụt bão nói chung đều có tình trạng này. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương cần vào cuộc cử bộ phận tiếp nhận và phân phối, đưa ngay về vùng mà nhân dân đang có nhu cầu. Đó là những mà các tổ chức từ thiện không thể vào được do phải băng rừng vượt núi hay lội qua sông suối.
Các tổ chức của địa phương, đặc biệt là quân đội, công an, dân quân tự vệ của các cấp, tổ chức các hệ thống chính trị phải tổ chức tiếp nhận. Trường hợp tổ chức từ thiện muốn trao trực tiếp cho dân thì phải dẫn đường cho họ mang vào.
Hiện huyện Tây Giang (Quảng Nam) còn mấy xã bị cô lập, chưa tiếp cận được. Chính quyền địa phương cần nhanh chóng tập trung lực lượng, phương tiện vận chuyển nhanh hàng hóa đến người dân. Nghệ An, Hà Tĩnh cũng còn khoảng 4 đến 5 xã bị cô lập.
- Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội nhưng cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Ông nói gì về nhiệm vụ này?
- Đây là nhiệm vụ chiến đấu thời bình của bộ đội. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chính quyền, lãnh đạo địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng, vì anh là người địa phương, anh đứng ra chủ trì thì chúng tôi đến làm việc mới có chỗ dựa vững chắc để thực hiện nhiệm vụ. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, không có thống nhất cao với lãnh đạo chính quyền địa phương thì rất khó thực hiện.
Vì vậy, tôi rất mong việc phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lãnh đạo địa phương các cấp, để cùng với quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ này.