Câu nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” của ông cha ta bao đời nay không những đúng với từng thành viên trong xã hội mà còn đúng cả về mặt kinh tế vĩ mô, khi mà đa số các doanh nghiệp Việt Nam chạy theo trào lưu và tâm lý đám đông và đầu tư dàn trải.
Khi xuất hiện một ngành hay một lĩnh vực làm ăn phát đạt là các doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào lĩnh vực đó. Chả thế mà nhiều năm trở lại đây người ta thi nhau đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Thời kỳ “hoàng kim” của những lĩnh vực này gần đây nhất là vào các năm 2006, 2007, khi mà đi đâu ta cũng thấy dân tình bàn tán với nhau việc đầu tư vào chứng khoán nọ, bất động sản kia.
Các nhân viên văn phòng cũng tranh thủ “rủ nhau lướt sóng” trên thị trường bất động sản, chứng khoán. Các công ty và cá nhân tham gia làm môi giới bất động sản một năm chỉ cần làm vài “vụ” là có thể “ăn chơi nhảy múa” cả năm không phải lo lắng gì. Dân chúng và doanh nghiệp Việt Nam tranh nhau đầu tư vào hai lĩnh vực này, nhưng người ta đã quên đi những nguyên tắc rằng “ở đâu lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn”, “mật ngọt chết ruồi”…
Có những người không có vốn nhưng cũng cố đi vay để có tiền đầu tư. Các doanh nghiệp thì tìm mọi cách giải ngân và dùng hầu hết lợi nhuận kiếm được “nướng” vào các hạng mục đầu tư được coi là lợi nhuận cao nhưng lắm nguy cơ đổ vỡ này. Doanh nghiệp đã quá phụ thuộc vào “bầu sữa mẹ” là các ngân hàng. Họ có 3 đồng thì đi vay đến 13 đồng để đầu tư.
Tôi rất thích câu nói của nhà đầu tư tài ba Warren Buffett: “Thủy triều xuống là lúc sẽ biết rõ ai đi bơi mà không mặc đồ bơi”. Khi Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô thì “bầu sữa mẹ” teo dần (thủy triều xuống) sẽ lộ rõ ai là nhà đầu tư mà toàn dùng tiền đi vay (không mặc đồ bơi).
Lợi nhuận của doanh nghiệp đáng lẽ ra doanh nghiệp phải trích dự phòng rủi ro, tái đầu tư để nâng cao năng suất lao động, đầu tư vào khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào tiếp thị để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường… đằng này doanh nghiệp lại đem hết tiền lãi của mình để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đầu tư vào các khu vực đầy rủi ro.
Doanh nghiệp chỉ chú trọng mở rộng quy mô, phát triển theo chiều rộng mà chưa chú trọng đầu tư phát triển theo chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện sức cạch tranh, vì thế doanh nghiệp chỉ “lớn” chứ chưa “mạnh” nên nền kinh tế chỉ “hắt hơi sổ mũi” thì doanh nghiệp đã lăn ra “ốm”.
Để vừa lớn vừa mạnh thì doanh nghiệp phải đầu tư phát triển theo chiều sâu, tránh đầu tư dàn trải vì sẽ làm giảm đi năng lực cốt lõi của mình và làm cho đồng vốn của doanh nghiệp bị phân tán, bởi kinh tế Việt Nam hiện tại đang khó khăn.
Những yếu kém và mặt trái của trào lưu tâm lý đám đông và không tập trung đã lộ rõ hơn bao giờ hết. Nhưng đây cũng là giai đoạn để cho nhà đầu tư, doanh nghiệp “ngẫm” và nhìn lại mình từ đó rút ra những bài học quý giá cho vấn đề quản trị của mình.
ThS. Nguyễn Tuấn Anh