Sáng 30/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng do Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Nhiều cử tri lo lắng việc tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư nhà máy thép sắp được di dời lên đầu nguồn nước sông Vu Gia, ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu dân Quảng Nam, Đà Nẵng.
"Bài học công ty Formosa gây ô nhiễm các tỉnh bắc miền Trung vẫn còn nguyên vẹn. Quá trình làm ra thép chắc chắn phải sử dụng hóa chất. Những hóa chất này vô cùng độc hại, nếu chúng ta không có một quy trình quản lý việc xử lý nước thải, đặt trạm quan trắc thì không biết những tác hại khôn lường với các thế hệ sau này", cử tri Phạm Xuân Thạnh nói.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có ý kiến đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trong các quyết định trước đây liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. "Ông Cự không thể vô can được", ông Lê Du Kiếm (phường Hòa Cường Bắc) nói.
Ông Đinh Thế Huynh cho biết, hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra mức độ vi phạm của ông Võ Kim Cự. Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng và UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kiểm tra, đặc biệt là quá trình lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa. "Sau khi kiểm tra sẽ có thông báo", ông Huynh nói với cử tri.
Ông Đinh Thế Huynh cũng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sẽ gửi văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, nêu ý kiến để các Bộ này tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ khi xây dựng các trạm quan trắc môi trường, giám sát hệ thống xả thải... "Sản xuất thép phải có công nghệ ít độc hại nhất và không được xả thải thẳng ra môi trường", ông nói. Ông cũng đề nghị Đà Nẵng xử lý đúng luật vụ xây dựng biệt phủ trái phép ở rừng Hải Vân.
Sắp công bố trách nhiệm trong việc đề bạt ông Trịnh Xuân Thanh
Chiều 30/11, giải đáp ý kiến cử tri, ông Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư) cho hay cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.
"Không chỉ kiểm tra ở Bộ Công thương mà còn các cơ quan khác nữa", ông Huynh nói và thông tin trong những ngày tới sẽ có công bố xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.
Giải thích lý do vì sao các cơ quan chức năng không bắt giữ ngay ông Trịnh Xuân Thanh mà để ông này trốn sang nước ngoài, ông Huynh nói vì thời điểm đó ông Trịnh Xuân Thanh mới bị kiểm tra nên cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có biện pháp ngăn chặn. Ông Trịnh Xuân Thanh lợi dụng cơ hội và bỏ trốn.
Sai phạm liên quan ông Trịnh Xuân Thanh bị phát giác khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin về việc Phó chủ tịch Hậu Giang được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC - nơi ông Thanh từng là lãnh đạo chủ chốt, và dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ông Thanh vẫn được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Bộ Công Thương, rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC.
Nguyễn Đông