- Ở tuổi 58, vì sao anh quyết định bắt tay vào viết hồi ký?
- Trong một lần ghé thăm gia đình nhà báo - nhà thơ Đinh Thu Hiền, vì trời mưa lớn, nên chúng tôi đã ngồi trò chuyện khá lâu. Cô ấy nói: “Anh Tín, anh hãy viết hồi ký đi!”. Sau những câu chuyện tôi kể, Đinh Thu Hiền khá đồng cảm. Tôi tin với khả năng của Hiền, cô ấy có thể giúp tôi chuyển tải được chúng qua trang viết. Tôi không nghĩ đây là một điều gì quá to tát. Chỉ đơn giản, là kể chân thực về cuộc đời. Và thật ra, tôi muốn để lại một điều gì đó cho các đứa con của tôi, nhất là đứa con gái bé nhỏ hiện tại. Nó mới được 16-17 tháng tuổi, giống tôi y hệt, nhất là ở đôi mắt và tính tình khôn lanh.
- Anh nghĩ sách về đời mình sẽ mang màu sắc như thế nào?
- Chúng tôi đã khởi động công việc ở giai đoạn đầu tiên. Trong đó, tôi kể về những câu chuyện liên quan đến cuộc đời mình, những cuộc tình, kỷ niệm về vai diễn, các bộ phim mà tôi từng tham gia.
Từ khi mới được sinh ra, tôi được tiên đoán là khó sống qua 12 tuổi, mà nếu qua được thì sẽ mạng lớn phước lớn mà sống đến già. Vì vậy cha mẹ cúng tôi làm con nhà chùa theo nghĩa tượng trưng. Mỗi tuần, tôi còn được cha mẹ mang vào chùa, nghe tiếng kinh kệ. Rồi tôi cũng qua năm tuổi này. Ngày đó, cha mẹ tôi cúng to lắm. Rồi vì công việc của cha tôi phải di chuyển nhiều nơi, nhiều tỉnh thành trong cả nước nên tôi và tám anh em của mình quen với chuyện thường xuyên di chuyển. Những ký ức tuổi thơ hằn sâu dường như cũng đồng hành với cuộc đời tôi. Tôi thích dùng hình ảnh của biển để nói về cuộc đời mình. Biển có những khi êm đềm, có những khi giông bão. Nhưng ngay cả những khi êm đềm nó cũng có những đợt sóng ngầm dữ dội ở bên dưới. Đời tôi cũng vậy.
- Ngoài những chuyện về bản thân, anh sẽ kể như thế nào về các nhân vật liên quan đến cuộc đời anh?
- Cuộc đời tôi có nhiều chuyện liên quan đến đàn bà. Có những ánh mắt của người đàn bà mà tôi không thể nào quên. Nó ám ảnh, day dứt suốt cuộc đời mình. Đó là ánh mắt ngoảnh nhìn của một người tuổi mười tám, đôi mươi mang trong mình dòng máu đứa con gái đầu lòng của tôi khi cô rời Việt Nam đi theo người chồng Mỹ vào thập niên 1970. Đó có thể là câu chuyện về người vợ từng đến với tôi vì nhiều ngang trái và sự đưa đẩy của số phận. Người đó là mẹ của con trai tôi - đứa con tôi rất yêu thương - nhưng chúng tôi vẫn không thể tiếp tục đi cùng nhau cho đến hết chặng đường.
Có vài người đàn bà tôi yêu, nhưng tôi không đến được với họ. Có những người đàn bà yêu tôi, lo lắng, chăm sóc cho tôi mọi điều nhưng có cố tôi cũng không thể yêu lại. Dù thế nào, tôi luôn thẳng thắn và chân thành trong các mối quan hệ của mình. Mà có lẽ phụ nữ yêu tôi nhiều hơn là tôi từng yêu họ.
- Còn với sự nghiệp diễn xuất của anh thì sao?
- Tôi khởi nghiệp từ nghệ thuật cải lương, kịch nói rồi sau đó gắn bó với điện ảnh, thủ vai trong gần 200 bộ phim nên nói về chuyện này thì nhiều vô số, chắc phải chắt lọc lại. Ngày mới đóng phim, tôi có kỷ niệm với phim Nắng đỏ của diễn viên - đạo diễn Lâm Tới. Anh Lâm Tới đi xem tôi đóng kịch, thích cách diễn của tôi nên chọn tôi vào vai người lính với hình ảnh rất đẹp, rất lý tưởng trong phim đầu tay của anh. Đọc kịch bản xong, tôi từ chối ngay vì nghĩ chắc mặt tôi chỉ đóng vai phản diện, làm sao có thể vào những vai đẹp như vậy được. Nhưng anh bảo cứ đóng đi vì anh tin tôi. Nắng đỏ bị báo chí thời đó chê te tua, nhưng ngược lại chỉ vai diễn của tôi được khen hay. Nhờ vậy mà tôi có động lực đóng phim tiếp, chứ không chắc bị chê là nản bỏ ngang rồi.
Rồi chuyện khi tôi đóng vai tướng cướp Bạch Hải Đường trong phim Săn bắt cướp. Tôi không bao giờ quên được cảm giác đi vào phòng biệt giam của chính Bạch Hải Đường ở ngoài đời thật để đóng phim. Mùi ám khí ở khu tử tù, đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.
- Không phải sự thật nào cũng dễ dàng nói ra, anh nghĩ gì về phản ứng của những người trong cuộc có liên quan đến anh?
- Cuốn hồi ký của tôi khi ra đời chắc chắn ở dòng đầu tiên phải có câu đại ý, nếu có những nhân vật nào tôi đề cập đến trong sách cảm thấy phiền lòng về chuyện tôi nhắc lại thì xin lượng thứ cho tôi. Nhiều lúc, bạn bè tôi cũng khuyên tôi không nên nói thật quá, sống thật quá và ước chi mà tôi chỉ cần nói dối một lần, nói để cho người khác thấy sướng và vui. Nhưng đây là nhược điểm của tôi, đã không nói ra thì thôi, nếu nói tôi chỉ nói sự thật. Tôi không thích sự màu mè và giả dối. Nhưng tất nhiên không phải sự thật nào tôi cũng kể hết ra trong cuốn sách.
- Công việc đóng phim hiện tại của anh giờ như thế nào?
- Tôi vẫn đi theo vài đoàn phim truyền hình dù giờ có nhiều điều ở phim trường khiến mình không vui như trước. Đời tôi chưa bao giờ đi đóng phim mà đặt vấn đề tiền lên trên hết nhưng nay người ta trả giá cát-xê cho diễn viên mà trả giá như ở "hàng tôm hàng cá" vậy.
Ngày 23/7, trước sự chứng kiến của luật sư Lê Luân - người nhận lời làm tư vấn miễn phí liên quan đến vấn đề tác quyền - nhà báo Đinh Thu Hiền và diễn viên Thương Tín ký hợp đồng đánh dấu sự hợp tác trong việc viết hồi ký của cả hai. Theo đó, Đinh Thu Hiền là người chấp bút cuốn sách. Nữ tác giả chia sẻ, chị cảm nhận được sự tinh tế, bộc trực, không giấu diếm sự thật ở nam tài tử nổi tiếng một thời. "Việc sống có trách nhiệm và vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình của Thương Tín cứ đan xen, giằng xé, đã tạo nên một nhân vật đa tính cách. Tôi đã được nghe một phần các câu chuyện đời anh, và tin rằng, khi tất cả các chi tiết chân thực ấy được tái hiện, cuốn hồi ký sẽ có sức hút mạnh mẽ với độc giả", Đinh Thu Hiền nói.
Dự kiến sau khi việc viết sách hoàn thành, tác giả chấp bút và Thương Tín mới tìm đến nhà xuất bản thích hợp để cuốn sách được ra đời. |
Thoại Hà thực hiện