Vì thế, chẳng mấy ai ngạc nhiên trước cái tin diễn viên này bị bắt quả tang trên chiếu bạc tổ chức ngay trong quán cà phê mang tên anh tối hôm 22/10.
Và đó cũng chưa phải là sự kết thúc. Nó chỉ là một mảng màu tối được hắt thêm vào bức tranh cuộc đời của nghệ sĩ lắm tài nhiều tật này. Bản thân anh cũng từng thừa nhận: "Cuộc đời tôi đã nhiều lần đứng trên bờ vực thẳm".
Anh sinh ra tại Phan Rang năm 1956, tên khai sinh là Bùi Thương Tín. Già nửa đời hư, khi ngoái lại, Thương Tín thường tự thuật: “Tôi cầm tinh con khỉ, lại sinh vào mùa xuân nên cả đời không cần làm vẫn cứ có ăn. Nhưng cấm có giàu. Cũng tại cái lốt khỉ nên ưa lóc chóc, ưa phá người khác và tàn phá luôn chính cuộc đời mình”.
Nhà anh có 9 anh em, đều theo nghề y của bố. Thương Tín thì không, chỉ mê có mỗi món cải lương. Thuở nhỏ, Thương Tín thường rạc cẳng bám theo những chuyến xe ngựa chạy dọc thị xã nhỏ bé để đến trường, trong khi đầu óc chỉ mơ màng theo những áo mão cân đai, vua quan phùng phèng và ánh đèn màu chớp tắt của những gánh hát về ngang đầu ngõ.
Nghệ sĩ Thương Tín. Ảnh: S.T. |
13 tuổi, Thương Tín bỏ học, bỏ xứ Phan Rang bạt ngàn nắng gió trốn nhà theo một gánh hát rày đây mai đó, lưu lạc lên tận Tây Nguyên. Hơn ba năm sau, ba của anh mới chụp cổ được gã con trai khi gánh hát đang cắm trại biểu diễn ở Buôn Mê Thuột.
Không buộc được con trai bỏ nghề, cũng chẳng làm sao dập tắt nổi ngọn lửa đam mê trong lòng nó, ông bèn gửi thằng nhóc vào học Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ ở Sài Gòn.
Ra trường, anh tham gia vào Đoàn kịch nói Cửu Long Giang, Đoàn Kim Cương rồi tham gia đóng phim và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Anh đã hóa thân trên 100 vai kịch, hai phần ba số đó là vai chính, vai kép độc. Đã có thời, anh là một thương hiệu lớn của Đoàn kịch Cửu Long Giang, một mình một chân dung to treo choán cả mặt tiền nơi dựng rạp.
Đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương của Đoàn Kim Cương, những vai nam chính do Thương Tín đảm nhận trong các vở Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ, Tanhia... đã khiến hàng bao nhiêu lượt khán giả phải thổn thức.
Lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, thành công của Thương Tín càng vang dội hơn. Những năm đầu sau giải phóng, kinh phí eo hẹp, nguồn vốn Nhà nước bao cấp cho điện ảnh quá ít ỏi nên lượng phim nhựa Việt Nam ra rạp mỗi năm tính chẳng được bao nhiêu. Diễn viên tên tuổi cũng phải xếp hàng, họa hoằn mới tìm được vai trong một bộ phim nào đó.
Trong Ván bài lật ngửa, vai thiếu tá ác ôn Lưu Kỳ Vọng của anh đã để lại ấn tượng sâu đậm không kém gì vai nam chính, Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa Nguyễn Thành Luân (do Chánh Tín thủ vai).
Lột tả hết cái chất lưu manh, xảo quyệt, nham hiểm của nhân vật sĩ quan công an chế độ cũ Lưu Kỳ Vọng, khó có diễn viên nào làm tốt hơn Thương Tín từ ánh mắt, cái nhếch mép đểu giả, đạt luôn cả cái bộ mặt câng câng, cô hồn được hỗ trợ thêm bởi nốt ruồi phá tướng trụt xuống trồi lên liên hồi bên gò mép. Rồi cũng cái bộ mặt trâng tráo, ngang ngược ấy lại “vẽ” rất đạt chân dung một tướng cướp Bạch Hải Đường lỳ lợm trong SBC.
Vào vai những người lính biệt động, người chiến sĩ như Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, hay Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng, thoắt một cái lại ra một Thương Tín khác, rất lãng mạn và rất hào hùng.
Nhân vật người lính mà anh thủ vai, trên chiến trường quyết liệt bao nhiêu thì trong tình yêu cũng nồng nàn mê đắm bấy nhiêu. Trung bình, mỗi tập phim nhựa phải quay đi quay lại từ 3 đến 5 tháng. Vậy mà có năm, Thương Tín phải “chạy sô”, đóng cùng lúc một năm 12 phim, sáng đóng phim này, trưa phim khác, đến tối lại sang phim khác nữa. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, anh đã có mặt trong hơn 200 bộ phim lớn nhỏ, được xếp vào hàng kỷ lục.
Gần đây, Thương Tín đã hoàn tất vai nam chính trong bộ phim truyền hình 80 tập Thiên đường tình yêu của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, sắp công chiếu.
Đang tham gia phân cảnh, chuẩn bị đạo diễn phim Nhớ sóng (kịch bản của Mường Mán, dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư) thì Thương Tín bị bắt quả tang trong chiếu bạc.
Chuyện xảy ra cứ như thể là điều tất yếu. Cái câu cửa miệng mà anh thường nói: “Đã chơi là phải chơi nhiệt tình, chơi thật sự, chơi hết mình”, nếu hiểu đúng thì có nghĩa là sống bạt mạng và cực kỳ buông thả. Số lượng những cuộc tình một đêm, một tháng mà Thương Tín đã trải qua thậm chí nhiều không thua số vai diễn mà anh đã đóng.
Năm 19 tuổi, đang học năm thứ hai ở Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn, Thương Tín đã sống với mối tình đầu, một cô bạn cùng lớp. Hương lửa đang nồng, Thương Tín đột nhiên... chạy trốn để về quê... lấy người khác, dù cô gái này, anh bảo là không hề yêu, cha mẹ đôi bên cũng phản đối kịch liệt.
Không đám cưới, Thương Tín đưa luôn vợ vào Sài Gòn sinh sống. Khi có với nhau một đứa con trai thì cuộc hôn nhân không tình yêu ấy tan vỡ. Thương Tín giành được quyền nuôi con nhưng lại đưa cậu bé về Phan Rang gửi ông bà nội nuôi giúp, còn mình thì tiếp tục theo đuổi những bộ phim đang hồi hút khách và chạy theo những cuộc tình chóng vánh.
Năm 1986, sau thành công của vai Sáu Tâm trong phim Biệt động Sài Gòn, khi ra dự Liên hoan phim ở Hải Phòng, một cô bé lớp 10 khá xinh đẹp chen vẹt đám đông xô vào ôm cứng lấy anh. Hơn chục năm sau đó, cô bé ấy vẫn đều đặn mỗi tuần một lá thư nồng nàn gửi cho “thần tượng” của đời mình. Sau hơn hai chục năm, cha của cô gái vẫn gọi điện vào cho Thương Tín, nửa thông báo và nửa trách móc: “Con gái tôi vẫn không chịu yêu ai khác ngoài anh. Đến bây giờ, gần 40 tuổi nó vẫn không chịu lấy chồng”.
Thời bao cấp, cát-xê vai nam chính của Thương Tín cho bộ phim Vụ án viên đạn lạc quay trong 4 tháng chỉ được đúng 1 chỉ vàng. Cả năm đi đóng hơn chục bộ phim, thu nhập chỉ chừng 1 cây vàng, nhưng chừng đó thời gian lại đủ cho anh ăn chơi hết cả chục cây, không kém.
Nhiều nghệ sĩ từ Hà Nội vào Nam, nhìn Thương Tín đi làm bằng xe hơi riêng đã phải trố mắt ngạc nhiên. Số là có một nữ khán giả rất giàu có, nhà có tới mấy tiệm bán mỹ phẩm đem lòng yêu “thiếu tá Lưu Kỳ Vọng”.
Thiếu phụ này có chồng là sĩ quan chế độ cũ đang đi học tập cải tạo, có hai đứa con. Thương Tín đã sỗ sàng nói thật là “anh không hề yêu em”, nhưng cô ta vẫn bất chấp, vẫn tuyên bố "không cần được anh yêu, chỉ cần được yêu anh là đủ”.
Cô sắm xe hơi cho thần tượng đi, nhét tiền vào ví cho anh xài mỗi khi thấy ví anh đã rỗng. Không hề thắc mắc, Thương Tín vẫn vô tư tiêu “hết mình” tiền bạc của cô vợ hờ chu cấp vào cờ bạc, ăn nhậu, hút xách và cả săn lùng những cuộc tình một đêm với không ít cô gái khác.
Năm 1986, anh chồng cũ của cô vợ hờ hết hạn cải tạo trở về. Dù đã ly dị từ lâu, người chồng này vẫn không ngăn được cơn ghen. Hoảng sợ trước lời đe dọa, cô rủ Thương Tín vượt biên. Anh đồng ý, nhưng khi ra đến mép biển, chuẩn bị được đưa xuống những chiếc thúng chai (mỗi chuyến thúng chai chở 4 người) để ra tàu lớn thì Thương Tín đột nhiên lưỡng lự.
Anh đưa người tình và 2 đứa con riêng của cô xuống thúng, bảo họ đi trước, còn mình sẽ ở lại nghe ngóng, sẽ ra thuyền bằng chuyến sau. Nhưng không có chuyến sau. Chủ thuyền, sợ bị công an bắt, sau khi thu đủ số vàng đã ném lại một nửa số người vượt biên trong đó có chàng nghệ sĩ lang thang ở trên bờ với những tràng chửi rủa.
Thuyền gặp tai nạn, đắm giữa biển khơi. Không một ai sống sót. Thương Tín và số người bị bỏ rơi hóa ra lại may mắn là còn được sống. Nhưng là sống trong triền miên ray rứt. Với người đàn bà ấy, anh chỉ là một kẻ lạnh lùng.
Mười năm sau đó, đời anh gắn bó với Hồng Nhung, cô ca sĩ người Hoa nổi tiếng hát “nhạc giật” ở các phòng trà. Ngày chồng đi diễn, tối vợ đi hát, chỉ gặp nhau khi đã quá nửa đêm.
Cảnh quạnh hiu khiến Thương Tín mong cháy lòng việc có một đứa con. Hồng Nhung không chịu, sợ có con sẽ không đi hát được nữa. Vậy là họ lại chia tay. Diễn viên Q. khá nổi tiếng trong chuyên mục "Chuyện trong nhà ngoài phố" cũng từng chung sống với anh 3 tháng rồi đường ai nấy đi. Anh cũng từng theo một cô gái sang Australia định cư, nhưng chỉ được vài tháng, không chịu nỗi cảnh tuyết rơi lạnh cả lòng ở xứ người lại quay về.
Không chỉ “sát gái”, bài bạc với anh còn là một món... sở trường. Anh từng thú nhận, anh đã có lần xách mấy triệu đồng mon men tìm vào ngồi trong xới bạc của Năm Cam. Ông trùm bảo: “Anh chỉ mở sòng cho mấy thằng đại gia “đập thùng” chơi thôi. Nghệ sĩ như em, tiền bạc đâu mà vô đây?”. Nghe vậy, Thương Tín mới chịu ra về.
Với cha mẹ, gia đình, Thương Tín cũng không mấy ngó ngàng. Lấy cớ bận đóng phim, họa hoằn lắm anh mới tạt về thăm nhà, dúi cho ba mẹ ít tiền, tự nhủ thế là tròn bổn phận, lại tiếp tục ruổi rong theo những vui thú rạc rài.
Khi những sô diễn bắt đầu giảm sút, những người tình đã lần lượt bỏ ra đi, Thương Tín giải sầu trong ma túy rồi anh phải về quê cai nghiện.
Năm 2003, Tín quay về Phan Rang, sáng uống trà với ba, tối xem TV cùng má, để cai nghiện. Một thoáng bừng tỉnh ngộ, như thể muốn từ bỏ đời phóng đãng, anh đã xây cho gia đình một ngôi nhà khang trang và sống ẩn dật ở quê suốt hai năm rưỡi. Phim Cây huê xà khởi quay, đạo diễn mời vào vai, anh lại khăn gói vào lại TP HCM, trở lại nghề diễn.
Quyết tu chí làm ăn, Thương Tín đã mở quán cà phê bida máy lạnh, quyết tâm lấy kinh doanh làm hậu phương bảo đảm kinh tế để tiếp tục theo đòi nghệ thuật.
Căn phòng riêng kín đáo trong quán cà phê Thương Tín đã nhiều lần thành sới bạc và lọt vào tầm ngắm của công an. Nghệ sĩ nói không định tổ chức đánh bạc để kiếm tiền, chẳng qua là máu đỏ đen đã “lậm” vào đời anh quá nặng, gầy sòng cốt để... được chơi. Và dĩ nhiên đã chơi là phải "chơi hết mình, chơi lớn".
(Theo Công An Nhân Dân)