Vườn nho và cây ăn quả được trồng lại tại thành phố Pompeii cổ xưa. |
Những món ăn này có thể không hợp khẩu vị với nhiều người, nhưng là đặc sản của những người dân Pompeii cổ đại. Chúng đang được tái hiện tại khu di tích lịch sử trong một dự án nhằm tìm hiểu cuộc sống của những người La Mã cổ đại.
Nhà hàng đông nhất Pompeii đã bị chôn vùi cùng với thành phố hưng thịnh khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Thảm hoạ đó đã giết chết hàng nghìn người, nhưng khối tro bụi cũng giúp bảo tồn nguyên vẹn thành phố và cung cấp thông tin quý giá về đời sống sinh hoạt tại thế giới cổ xưa.
Bắt đầu từ ngày 26/5, khách tham quan sẽ không chỉ được đi dạo qua các dãy bàn của nhà hàng, chiêm ngưỡng những dụng cụ làm bếp, mà còn được thưởng thức những món ăn cổ.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tái tạo lại đồ ăn của thành phố bằng cách trồng lại trong khu vườn của nhà hàng các loại rau quả nằm trong thực đơn La Mã: sung, ôliu, mận, nho, cây anh túc, cây đậu chổi, mâm xôi và cây cẩm quỳ.
Những dụng cụ cùng nguyên liệu sẽ được bán cho khách tham quan kèm theo hướng dẫn chế biến các món ăn La Mã. Mặc dù không được phép nấu ăn tại khu vực, du khách sẽ được chỉ tới một nhà hàng địa phương nơi một số món ăn cổ sẽ được bày bán.
Một số người có thể sẽ tránh xa món garum, món nước sốt cay được làm từ ruột cá lên men, nhưng nhiều món trong đó không khác gì những gì người ta ăn ngày nay. Công thức làm thịt giăm bông prosciutto vẫn không thay đổi, trong khi món savillum, món tráng miệng của người La Mã, là một loại kem tương tự như món sữa trứng. Món libum được làm từ bánh mì, lá nguyệt quế và pho mát, cũng giống món ricotta ngày nay.
Sự hưng thịnh của thành phố Pompeii được biết đến ở những đặc sản như lưỡi chim nhạn và thịt vẹt, nhưng nghiên cứu này nhằm giới thiệu nhiều món ăn đời thường hơn.
Nhà hàng được đặt ở ngã ba giữa một phòng tập thể dục, rạp hát và một trong những cổng lớn của thành phố, chủ yếu phục vụ các thương nhân và khách du lịch.
Chiếc ghế dài dành cho 6 người dường như luôn chật kín những khách vãng lai háu đói. Các vị khách có thể tựa vào một bên của ghế như một phong tục ăn uống vào thời đó, để buôn chuyện, chơi xúc xắc - một trong những thú vui giải trí của người La Mã, và thưởng thức những món ăn được bày trong các hũ to. Ngũ cốc và đậu xanh là nguyên liệu chủ yếu của chế độ ăn thời La Mã, cùng với cá, pho mát và lượng trứng, thịt có hạn.
Các món ăn cũng thay đổi tuỳ theo địa vị xã hội. Các nô lệ thường ăn những món giàu dinh dưỡng như bánh mì, hoa quả khô, pho mát hạng thấp và rượu vang. Tầng lớp thượng lưu thưởng thức các món ăn giống như tầng lớp trung lưu, nhưng với số lượng nhiều hơn, nguyên liệu tốt hơn và trình bày hấp dẫn hơn.
M.T. (theo AP)