Thông tin này được ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ tại cuộc họp tổng kết năm 2016.
Lãnh đạo Vinatex cho biết, năm 2016 thu nhập bình quân người lao động trong tập đoàn là 6,7 triệu đồng một người một tháng, tăng 8% so với năm 2015. Số lao động toàn tập đoàn khoảng 82.600 người. Dù 2016 là năm “làm ăn khá chật vật” với ngành dệt may, song kết thúc năm mỗi lao động tại Vinatex vẫn được nhận 2 tháng lương.
“Doanh nghiệp làm ăn kém nhất cũng thưởng cho người lao động một tháng, còn đơn vị làm ăn tốt nhất thì thưởng 3 tháng lương. Mức thưởng này tương đương với năm 2015, đây là khoản nuôi dưỡng trong tương lai”, ông Trường tiết lộ. Với mức thưởng này, lãnh đạo Vinatex tính toán, người lao động tại khu vực phía Nam được nhận khoảng 16-20 triệu đồng tiền thưởng Tết, còn miền Bắc thấp hơn, 12-14 triệu đồng một người.
Nhìn lại năm 2016, Tổng giám đốc Vinatex than “là năm chật vật với ngành dệt may”, do tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, như Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit), Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ… Ngoài ra, 6 tháng cuối năm hầu hết các nền kinh tế đều có quan điểm quay trở lại bảo hộ thị trường trong nước, đã ảnh hưởng tới tâm lý, hành vi tiêu dùng, cũng như quan điểm đặt hàng, chuẩn bị đơn hàng của các nhà sản xuất.
“Cá nhân tôi điều hành trong ngành dệt may 10 năm, nhưng 2016 là năm khó khăn nhất. Suốt từ 2009 đến 2015, dệt may luôn đạt tăng trưởng 2 con số, riêng năm qua toàn ngành chỉ tăng 5,7%”, ông Trường nói và chia sẻ, “nếu tập đoàn khó khăn một, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác còn gặp khó hơn nhiều”.
Trong khi đó, quy mô thị trường nội địa Việt Nam lại nhỏ, khoảng 4,5 tỷ USD nên không tạo ra thế cân bằng như các nước có thị trường trong nước quy mô lớn.
“Bình quân mỗi người Việt chỉ tiêu khoảng 50 USD cho quần áo, quy mô thị trường trong nước là 4,5 tỷ USD, nhưng nhu cầu cung ứng của ngành dệt may tới 35 tỷ USD. Toàn bộ thị trường nội địa chỉ tương đương khoảng 1,5 tháng sản xuất”, ông Trường lý giải.
Nhìn về triển vọng thị trường dệt may năm 2017, lãnh đạo Vinatex nhận xét, “chưa có gì tươi sáng”. Dù đã có đủ đơn hàng tới hết quý I/2017, nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ ngày càng phải cạnh tranh đơn hàng xuất khẩu với các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh… nhờ chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm 2017, ông Lê Tiến Trường tiết lộ, Vinatex sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp để giữ vững thị trường đô thị, liên kết các chuỗi cửa hàng trên toàn quốc để phân phối hàng, giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công...
Riêng giải pháp quay lại thị trường nội địa, lãnh đạo Vinatex nói tập đoàn này sẽ theo hướng mũi nhọn, chứ không phải “nhà nhà làm nội địa” chia nhau miếng bánh 4,5 tỷ USD.