“Sống xanh” đang là xu hướng sống tích cực. Theo đó, giảm thiểu chất thải, rác thải độc hại ra môi trường bằng hành động đi xe đạp, nói không với thuốc lá, bao nylon hay sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện… đang được nhiều người quan tâm. Đồng thời, “Thương mại xanh” khuyến khích sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường cũng là những đề tài thu hút giới trẻ.
Các loại hình doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đều có mối liên hệ mật thiết với môi trường. Tuy nhiên, thực trạng phổ biến là vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức, thông tin về tiêu dùng xanh cũng như nghiên cứu về vấn đề này còn tương đối hạn chế. Các đề tài gửi về chương trình như: “Phát triển và kiểm định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh” và “Đánh giá mức độ tham gia thương mại xanh ở Việt Nam: Trường hợp ngành công nghiệp chế biến ở Hà Nội” đã cụ thể thực trạng về môi trường thông qua những cuộc khảo sát, nghiên cứu cụ thể và khá chuyên nghiệp.
Đề tài “Phát triển và kiểm định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh”. |
Một nhóm sinh viên thực hiện đề tài tiến hành tìm hiểu các yếu tố có ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh của người tiêu dùng. Từ đó, các em đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Với vấn đề thương mại xanh, nhóm phân tích để xác lập những loại hình doanh nghiệp có đóng góp tích cực với môi trường. Các đề tài môi trường cũng tập trung nhấn mạnh tính quảng bá và sự ảnh hưởng của truyền hình, báo đài, internet, để doanh nghiệp thấy đây là một kênh thông tin cung cấp các kiến thức môi trường đến với cộng đồng cư dân các vùng đô thị, nơi chịu nhiều tác động và ảnh hưởng trực tiếp của môi trường trực tiếp lên đời sống thường ngày.
Có những đề tài nghiên cứu liên quan đến rác nông nghiệp như “Xử lý ô nhiễm môi trường bằng cách tận dụng các loại phế thải - phế phẩm trong công nghiệp để sản xuất dược phẩm - thực phẩm chức năng”. Câu chuyện sử dụng nước sạch qua đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng mô hình xử lý nước đơn giản cho các hộ gia đình nghèo ven sông Sài Gòn” và “Nghiên cứu xúc tác Zirconi trên nền vật liệu mao quản trung bình Sba-15 cho quá trình cracking dầu nhờn thải nhằm tăng hiệu suất tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Mỗi đề tài có cách vận dụng các quy trình công nghệ, kỹ thuật khác nhau nhưng đều hướng đến một mục đích chung là xử lý, kiểm soát và cải thiện các thực trạng về môi trường gắn liền với cuộc sống cư dân các vùng đô thị.
Hoàng Phúc Hồng Trang - sinh viên ĐH Bách Khoa Đà Nẵng. |
Những đề tài liên quan đến vấn đề môi trường gửi đến chương trình đã cho thấy sự nỗ lực của sinh viên trong quá trình thực địa, khảo sát, tìm nguồn tư liệu phục vụ cho nghiên cứu. Hoàng Phúc Hồng Trang - sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Đề tài chỉ mới trên mô hình lý thuyết, những khâu thực hiện là tìm nguồn tư liệu, các bài viết về tận dụng phế thải trong công nghiệp để sản xuất dược phẩm đa phần bằng tiếng Anh nên tôi phải tự đọc, tự dịch và ứng dụng vào thực tiễn. Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều nguồn rác thải rất đa dạng và hữu ích cho việc tái chế”.
Ngọc Điệp