Dự báo vừa được Quyền giám đốc Cơ quan Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov đưa ra. So với cùng kỳ 2022, kim ngạch thương mại hai nước 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng thêm 35 tỷ USD, tương đương 27%. Trong đó, Trung Quốc là nước đóng góp lớn hơn vào mức tăng thương mại chung.
"Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, kim ngạch chung có thể đạt 220 tỷ USD vào cuối năm nay", ông Ruslan Davydov nói. Cơ quan Hải quan Liên bang cho hay đang tìm cách hợp lý hóa các thủ tục để tăng tốc độ giao hàng và tạo điều kiện cho thương mại tăng trưởng hơn nữa.
Năm ngoái, thương mại giữa Moskva và Bắc Kinh đạt kỷ lục 190 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2021, do các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga phải chuyển hướng dòng chảy thương mại về phía đông.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong hơn một thập kỷ, cung cấp ôtô, máy móc, hàng điện tử và các sản phẩm khác cho quốc gia này. Trong khi, Nga chủ yếu bán dầu thô và nhiên liệu hóa thạch khác cho Trung Quốc.
Nga cam kết xây dựng tuyến đường sắt tới Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đang tăng cường quan hệ kinh doanh. Hai tuyến đường sắt - một từ Kemerovo và một từ Krasnoyarsk - nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng Siberia, theo tài liệu được công bố trên trang web của chính phủ Nga đầu tuần này.
Cụ thể, tuyến thứ nhất là Bắc Siberia, đi qua Altay đến Ô Lỗ Mộc Tề - thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương. Chi phí ước tính của tuyến đường sắt dài 1.900 km này là khoảng 2,3 tỷ USD. Các nghiên cứu khả thi, bao gồm đánh giá đầu tư, dự kiến được hoàn thành vào năm 2025.
Trong khi tuyến thứ hai qua Tyva, kéo dài đến biên giới giữa Nga và Mông Cổ và chia thành hai đường khi vượt qua biên giới. Nhánh phía bắc sẽ vào Trung Quốc tại thành phố Erlian, mở ra lối đi thẳng tới Bắc Kinh và Thiên Tân. Nhánh phía tây sẽ đi qua thành phố Khovd (Mông Cổ) và thành phố Takashiken của Trung Quốc đến Ô Lỗ Mộc Tề.
Phiên An (theo RT)