Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra từ giữa năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Theo một khảo sát gần đây của Reuters, khoảng 80% các nhà kinh tế tham gia cho rằng chiến tranh thương mại sẽ giữ mức hiện tại hoặc trầm trọng hơn cho đến hết năm sau.
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đạt 660 tỷ USD, theo Cục Thống kê Mỹ. Kể từ đó, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã thay đổi rất nhiều.
Thuế nhập khẩu tăng
Đòn đánh đầu tiên của Mỹ vào thương mại là từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, nó chỉ trở thành cuộc chiến vào tháng 7/2018. Khi đó, Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế tương tự lên 34 tỷ USD hàng Mỹ. Kể từ đó, thuế nhập khẩu liên tiếp leo thang, cả về quy mô và mức thuế.
Thương mại song phương giảm sút
Năm 2018, cả hai nước đều là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Tuy nhiên, năm nay, Mexico và Canada đã vượt Trung Quốc để trở thành hai đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.
"Trung Quốc làm tốt hơn Mỹ trong việc kiềm chế nhập khẩu từ đối phương", Eric Fishwick - nhà kinh tế học tại CLSA nhận xét trên CNBC, "Dù vậy, thương mại song phương đã chậm lại đáng kể, nếu như so với giao thương của Trung Quốc với châu Âu. Vì thế, chiến tranh thương mại chắc chắn đã có tác động".
Thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc
Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Đây là điều Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng làm lý do để đánh thuế nhập khẩu.
Phần lớn hàng nhập khẩu ròng của Mỹ là "sản phẩn hoàn thiện có biên lợi nhuận cao", Don Steinbrugge - nhà sáng lập hãng tư vấn Agecroft Partners nhận xét. Trong khi đó, xuất khẩu ròng của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu "là hàng hóa biên lợi nhuận thấp", như lương thực, dầu thô, khí đốt và lâm sản.
Xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc
Đậu tương là một trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành này đang lao đao vì chiến tranh thương mại.
Trung Quốc đã giảm mua đậu tương để trả đũa và gây sức ép lên ông Trump. Nông dân là một trong các nhóm cử tri ủng hộ mạnh nhất cho ông Trump. Còn Trung Quốc là thị trường tiêu thụ một số loại nông sản lớn nhất thế giới, trong đó có đậu tương.
Dù vậy, tuần trước, Trung Quốc đã tuyên bố cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Mỹ trở lại, nhằm hạ nhiệt căng thẳng trước đàm phán. Hai bên dự kiến có các cuộc nói chuyện trong hôm nay tại Washington (Mỹ).
Hà Thu (theo CNBC)
Đồ họa: CNBC