Ngày cuối tháng 4, nhiều người dân huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) vào vườn cà phê, cao su tìm xác ve sầu bán cho thương lái trong vùng. Thời điểm này, xác ve xuất hiện nhiều trên các thân cây, mỗi ngày họ lấy được khoảng 0,7-1 kg.
Bà Đặng Hà, thương lái thu gom ở địa bàn huyện Ngọc Hồi, cho biết xác ve có hai dạng: loại xác mỏng màu đỏ tươi và xác dày hơn màu tối sẫm. Giá xác ve dao động từ 800.000 đồng đến một triệu đồng mỗi kg, tuỳ loại.
Người phụ nữ này bắt đầu thu mua xác ve sầu từ hồi tháng 2, rồi bán lại cho thương nhân nước ngoài. "Năm nào người Trung Quốc cũng mua xác ve sầu, nhưng năm nay giá cao hơn", bà Hà nói và cho biết để có đủ hàng, các thương lái ở Kon Tum thậm chí đến tận nơi để thu mua, không giới hạn số lượng.
Trên các trang mạng, các thương lái đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin với nội dung: thu mua xác ve sầu số lượng lớn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk... Người mua sẵn sàng đặt cọc trước cho người dân để gom hàng ở địa bàn, có bao nhiêu đều sẽ thu mua hết.
Trước cơn sốt này, nhiều người dân huyện Ia Grai, Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, vào vườn cao su, cà phê, điều, tìm xác ve sầu về bán cho thương lái. Giá xác ve sầu thu mua tùy vào kích cỡ, dao động từ 500.000 đồng đến hơn một triệu đồng một kg. Những xác ve lớn được mua khoảng 2 triệu đồng một kg.
"Tôi cũng không biết họ thu mua xác ve để làm gì, nghe đâu là làm thuốc. Lúc đỉnh điểm, tôi thu mua của người dân khoảng 15 kg mỗi ngày", ông Đức Hùng, người dân ở huyện Ia Grai nói.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ, cho biết cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh thông tin thương lái trả giá cao để thu mua xác ve sầu. Đồng thời, phòng sẽ phối hợp chính quyền tuyên truyền cho người dân tìm hiểu kỹ việc thu mua, tránh việc đầu cơ, gom xác ve sầu để bán giá cao.
Lãnh đạo huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho hay ngoài kiểm tra việc thương lái mua xác ve sầu, địa phương cũng yêu cầu các xã tìm hiểu động cơ và mục đích mua xác ve sầu.
Ve sầu có nhiều ở các vùng rừng núi, thành phố, những nơi có cây cao, to. Đây là loại sâu bọ vỏ cứng, thân có đốt. Khi mới nở, ve chưa có cánh, sống ở dưới đất. Sau khi lột xác thành ve sầu trưởng thành, chúng có cánh và sống ở trên cây.
Ông Võ Thuận Hóa, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đăk Lăk, cho biết ve sầu được sử dụng trong Y học cổ truyền, chủ yếu điều trị một số bệnh ngoài da như ghẻ ngứa, mề đay... Tuy nhiên số lượng dùng không nhiều, mỗi năm ước tính cả nước chỉ dùng khoảng 0,5 kg.
"Do đó việc xác ve sầu được rao giá vài triệu đồng mỗi kg là quá cao", ông Hoá nói, nhận định nhiều khả năng xác ve sầu bị tuồn từ nước ngoài vào, sau đó bị thổi giá như việc ồ ạt thu mua giun đất, lá điều khô từng xảy ra.
Ngọc Oanh