Tiếng pháo cứ râm ran làm tụi tui không cách nào mà yên tâm ngồi học cho được. Đi học về là rủ nhau canh nhà ai cúng tất niên để giành pháo lép, rồi cãi nhau coi dây pháo nào dài hơn, phong pháo nào nổ giòn nhất.... Tôi lại chạy về nhà lẩn quẩn chân má với hàng lô câu hỏi như "chừng nào má làm kiệu?", "khi nào gói bánh tét" hoặc "năm nay má định cho mặc đồ gì?"... Nhiều câu hỏi cứ dồn dập như là Tết tới sát đít vậy! Rồi tôi lại đem pháo ra phơi nắng cùng đám bạn mong đến giao thừa không bị tắt tịt, để năm mới mọi việc được suôn sẻ.
Tôi thích nhất là xem má làm bánh mứt như mứt dừa đủ màu, quấn thêm cái bông hồng để chưng giữa quả bánh, mứt gừng cay thơm, bám đường trắng lấp lánh, mứt dẻo thập cẩm với đủ mùi vị, màu sắc của cà chua... được sên xong lăn thành cây, đến khi ăn mới lấy dao cắt từng miếng. Mùi ngọt ngào, thơm lựng của mấy chảo mứt thật hấp dẫn. Tụi tui ngồi chầu chực, hít hà hoài mà má cũng không động lòng chút nào, hết nuốt nước miếng, lại đi uống nước để hạ cơn thèm, rồi lại mong má đi khỏi để lén quẹt một chút. Nhiều lúc bị bỏng tay vì đường còn nóng hoặc bị đũa bếp vào đít vì cái tội "ăn hỗn".
Với đám con nít lúc nào ăn vụng cũng là ngon nhất! Má còn làm bánh tét và nhiều loại bánh như bánh bột linh, bánh in... Bánh tét năm nào má cũng gói hơn chục ký nếp, ai cũng hỏi nhà có hai người lớn với hai đứa nhỏ mà gói chi lắm! Hồi đó cơ quan ba tui có mấy chú độc thân đâu có sắm sửa gì, ba nói má làm thêm "để tụi nó tới ăn chớ tội!". Công phu và khó nhất là bánh thuẫn, món này cũng kích thích nước miếng tụi tui nhất!
Năm nào cũng vậy, má mua bột bình tinh ở quê để có bột thiệt rồi về hì hụi đem phơi mấy nắng, rồi giã nhỏ, lại lấy chai thủy tinh cà trên giấy, rồi rây mịn, đem bỏ bì ni-lông cất cũi bếp chờ cận Tết! Trước ngày đổ bánh thì mới đánh trứng với đường, bao nhiêu trứng vịt, trứng gà, bao nhiêu đường. Trứng và đường phải dậy thì mới cho bột vô, muốn cho bột dậy phải đánh muốn gãy tay (lời của má). Tui nhớ, có năm vì bận mà má gởi bột cho người ta đánh bằng máy và kết quả là năm đó bánh thuẫn toàn không nở, ai tới nhà cũng nghe má càm ràm"cái máy của thằng cha xay bột làm hư bánh tui hết!".
Thấy đêm trước má để bột trong cái thau men trắng, đậy cái sàng trên bàn học là tui biết thế nào hôm sau má cũng dậy sớm đổ bánh. Má hay đổ bánh lúc chưa ai dậy, không biết là vì không thích ai làm phiền hay tranh thủ để còn làm việc khác. Trước những ngày đó, không đứa nào ngủ sớm được, do sợ ngủ quên sẽ không được coi má đổ bánh, còn do cái mùi bột để trên bàn gần ngay cái đầu giường hấp dẫn quá. Nằm đoán chừng má đã ngủ say, hai đứa tui bấm nhau lén ra khỏi mùng giở cái sàng tre quẹt ngón tay út vào thau bột rồi mút một cái mà nghe sướng gì đâu, tới giờ còn nhớ như in cái cảm giác đó.
Mà má hay lắm nghen, mới đó đã nghe lên tiếng "làm cái gì đó bay?" liền! Tui nhanh nhảu "con khát nước", giờ tui mới biết má biết tỏng mấy cái mưu mô con nít của tụi tui vì biết đứa nào cũng sợ ma, tối không dám uống nước vì sợ phải đi tè giữa đêm.
Năm nào ngủ quên, thức dậy má đã xong thì tiếc lắm. năm nào may mắn bị thức giấc bởi tiếng xoong nồi là bật dậy nhanh, xuống ngồi kế bên. "Hay vậy bay, ngày thường kêu như kêu đò có đứa nào dậy đâu!". Má không cần nhìn cũng biết có hai đứa xuống ngồi chầu. "Tại mùi bánh thơm quá mà", tui chống chế. Canh lửa bánh thuẫn khó lắm, lửa già thì bánh khét, non thì bánh không chín hoặc không nở...
Hồi đó tôi ngây ngô lắm, chỉ mong có được mẻ bánh hư để má cho xử liền, vì bánh còn nóng nên thơm ngon lạ lùng. Không phải năm nào việc đổ bánh cũng trơn tru, có khi má phải thêm than, khi bớt lửa, lúc thêm bột, thêm đường, lúc lại nước chanh, nước gừng rồi đánh tới đánh lui, nhiều lúc bực quá, má đổ thừa "tại hai đứa nặng vía, bữa sau có thức thì nằm im trong mùng nghen". Mà bữa sau đó của má thì phải đợi đến Tết năm sau, năm sau nữa...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Đặng Thị Lam Kiều