Hôm nay (15/6), Vietnam Airlines vừa cho biết đã thống nhất cùng Tập đoàn Qantas xúc tiến những thay đổi với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lời của hãng bay giá rẻ này.
Theo đó, Jetstar sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.
Pacific Airlines cũng chính là tên gọi đầu tiên khi hãng bay này được thành lập năm 1991. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới sẽ còn phải dựa theo quyết định của nhà chức trách.
Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ của Qantas sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành, để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.
Bên cạnh việc đổi tên và hệ thống giữ chỗ, Vietnam Airlines cũng thông tin sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc Jetstar, cũng như thực hiện các thay đổi cần thiết liên quan đến cơ cấu cổ phần.
Tại một sự kiện mới đây, ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, kiêm Chủ tịch Jetstar Pacific cũng đã có những chia sẻ ban đầu về kế hoạch tái cơ cấu Jetstar Pacific.
"Hãng bay này thành lập từ rất lâu nhưng không bứt phá lên được. Chúng tôi nhiều lần phân tích, cuối cùng đã tìm ra được lời giải", ông Quang nói.
Theo ông, ở trên thế giới giai đoạn năm 2009 – 2019, hàng không giá rẻ (low-cost) phát triển một cách rất ngoạn mục, chiếm khoảng 30-40% thị phần. Tại châu Mỹ low-cost chiếm khoảng 35% thị trường, châu Âu là 42%, châu Á Thái Bình Dương khoảng 30%, còn ở Việt Nam chiếm đến trên 50%.
Lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin năm 2019, tổng số lượng khách của hàng không Việt Nam khoảng 72 triệu lượt, hàng không giá rẻ đóng góp khoảng 36 triệu khách. "Jetstar hiện nay rất bé so với quy mô chúng tôi cần với một hãng low-cost. Đội bay của Jetstar hiện chỉ khoảng 18 chiếc", ông Quang thừa nhận.
Đồng thời, theo ông Quang, trong HĐQT của Jetstar có Qantas là công ty tư nhân, Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước nên văn hóa, quan điểm về cách làm việc khác nhau, chưa tạo được một bước đột phá cho Jetstar.
Ông cũng nói thêm cơ chế điều hành của Jetstar phụ thuộc quá nhiều vào Qantas vì hệ thống quan trọng nhất – đặt vé, giữ chỗ lại ở Melbourne (Austrlia). "Họ không hiểu được nhịp thở thị trường tại Việt Nam, mà thị trường nội địa rất quan trọng với Jetstar", ông Quang đánh giá.
Do nhận thấy những vấn đề này, Vietnam Airlines đang phải tiến hành thay đổi cơ cấu tổ chức, phương thức sản xuất kinh doanh của Jetstar.
Ông Quang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cơ cấu Jetstar khi chỉ ra xu hướng các hãng bay trên toàn cầu đua thành lập công ty con để tham gia thị trường low-cost, tạo ra mạng lưới khai thác tất cả các phân khúc của thị trường. Các hãng không lớn như Malaysia Airlines, Thai Airways... chủ quan với việc phát triển low-cost nên đã thất bại.
Theo ông Quang, sau một thời gian cộng tác, cả Qantas và Vietnam Airlines nhận thấy việc tái cơ cấu cổ đông lúc này là thích hợp, một phần cũng vì Covid-19. Qantas sẵn sàng rút và để cho Vietnam Airlines nắm giữ cổ phần chính.
"Vietnam Airlines sẽ chiếm khoảng 98% cổ phần của Jetstar Pacific. Chúng tôi có cơ hội tái cơ cấu như mình mong muốn", ông Quang nói và khẳng định hãng bay giá rẻ này sẽ tồn tại và phát triển khi được Vietnam Airlines coi là mắt xích không thể thiếu trong tập đoàn.
Thời gian qua, với vai trò cổ đông lớn, Vietnam Airlines đã tham gia tái cơ cấu mạnh Jetstar Pacific trên định hướng "thương hiệu kép". Sau khi đổi tên thương hiệu, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ tiếp tục tạo ra chuỗi sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng từ phân khúc chi phí thấp đến cao cấp. Đồng thời, sự kết hợp này cho phép hai bên tận dụng lợi thế của nhau để mang đến cho khách hàng nhiều quyền lợi với mức giá hấp dẫn.
Anh Tú