Theo khảo sát do Exane BNP Paribas phối hợp cùng Contactlab thực hiện, khách hàng Trung Quốc vốn chiếm đến 30% tổng chi tiêu toàn cầu về hàng hóa cao cấp đang có xu hướng chuyển sang mua hàng ngay trong nội địa thay vì từ nước ngoài.
Các thương hiệu châu Âu như Burberry hay LVMH đã đạt tăng trưởng doanh thu đáng kể tại quốc gia đông dân nhất thế giới vào nửa cuối năm ngoái. Nhưng nhiều doanh nghiệp châu Âu khác vẫn phải vật lộn để thích nghi với thị trường thương mại điện tử Trung Quốc.
Kết quả khảo sát cho thấy kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số đang phát triển với tốc độ cao, khiến nhiều mô hình cửa hàng truyền thống như đại siêu thị gặp không ít khó khăn.
Ông Marco Pozzi - cố vấn cao cấp của Contactlab nhận xét khách hàng Trung Quốc không chỉ đó vai trò quan trọng nhất trong tiêu thụ hàng xa xỉ mà còn dẫn đầu về xu hướng tiêu dùng kỹ thuật số.
"Ở thị trường này, thiết bị di động đóng vai trò then chốt, giao hàng trong vòng 1-2 ngày xem như mốc tiêu chuẩn, truyền thông xã hội có tính chi phối cao", ông Marco Pozzi chia sẻ.
Mặt khác, báo cáo nêu ra tình trạng nhều thương hiệu châu Âu quá phụ thuộc vào email trong việc liên lạc với khách hàng. Tuy nhiên thương hiệu thời trang cao cấp Chanel được đánh giá cao nhờ ứng dụng các nền tảng truyền thông xã hội như WeChat để tăng tính hiệu quả và nhanh chóng trong tương tác với người dùng.
Khách hàng Trung Quốc thích sử dụng công cụ chat trực tuyến và nội dung chia sẻ trên mạng xã hội như những bài trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ hay đánh giá thương hiệu, ứng dụng thanh toán di động. Những điều này được các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa khai thác tốt, còn các hãng châu Âu chưa hỗ trợ một cách bài bản.
Minh Trí