Các "thượng đế" ngành điện lực có chung nỗi khổ: nắng nóng, giá điện đã tăng, nhưng điện vẫn không đủ dùng, cắt luân phiên.
Điện, nước, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, là đầu vào quan trọng tạo ra giá thành sản phẩm và dịch vụ. Mỗi biến động nhỏ của các mặt hàng này đều có thể làm xáo trộn cuộc sống hàng chục triệu con người.
Khách hàng chưa bao giờ là "thượng đế" trong ngành điện. Với cơ chế độc quyền bán hiện nay, người tiêu dùng là bên yếu thế. Khách hàng mua nhiều không được khuyến khích bằng cơ chế giá mà còn phải gánh giá điện cao để "bù chéo" cho sản xuất công nghiệp thâm dụng năng lượng.
Với cơ chế hiện tại, Việt Nam khó có thể thoát ra khỏi tình trạng tăng giá để bù lỗ và cắt điện luân phiên vào mùa nóng. Nhưng Quy hoạch điện VIII có thể là chương mới của ngành điện với hai định hướng nổi bật: Chuyển dịch năng lượng và khuyến khích sự tham gia của tư nhân.
EVN cho biết đang rất khó khăn về tài chính với khoản lỗ năm 2022 đã vượt 26,2 nghìn tỷ đồng. Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng cao là một trong những nguyên nhân được đưa ra để lý giải. Trong đó, giá than tăng gấp 3 lần, thậm chí có thời điểm tăng gấp 4-5 lần và giá dầu tăng gấp đôi. Nhưng điều này cũng phản ánh cơ cấu nguồn phát điện của Việt Nam vẫn nghiêng về phía các nguồn điện hóa thạch với chi phí biến động và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường.
Trong khi đó, đang tồn tại một nghịch lý là hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư lại gặp nhiều vướng mắc liên quan cơ chế mua - bán, phải cắt giảm công suất. Ban hành cơ chế thuận lợi là trách nhiệm của Chính phủ nhưng cơ quan tham mưu cơ chế là EVN - lại là người mua độc quyền. Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt này thì dòng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo - vốn được đánh giá là có nhiều tiềm năng và ngày càng rẻ - sẽ tắc nghẽn.
Thực tiễn không phải không có những mô hình hay, nhưng đang vướng phải rào cản độc quyền ngành. Mô hình "điện sau côngtơ - behind the meter" đã được nhiều nước áp dụng, cho phép cơ chế "tự sản tự tiêu" năng lượng và đóng góp vào nguồn điện quốc gia. Mô hình này nếu được hỗ trợ phát triển sẽ góp phần đáng kể khắc phục tình trạng thiếu điện. Loại bỏ các yếu tố tiêu cực do con người lợi dụng chính sách, thì sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời và điện mặt trời áp mái vừa qua, hay các mô hình sản xuất điện phân tán chính là bước đi mới trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Với ngành điện, việc "mở cửa" hay phá bỏ thế độc quyền để người mua trở thành khách hàng đúng nghĩa, tức là được chọn lựa sản phẩm tiêu dùng, là không dễ, nếu không muốn nói là không thể thực hiện trên bình diện tổng thể. Những đặc thù rất riêng của ngành năng lượng cực kỳ quan trọng với an ninh quốc gia là rào cản không nhỏ cho việc tư nhân hóa lĩnh vực này. Dù vậy vẫn có thể đưa tư nhân vào một số khâu, một số khu vực không được xem là trọng yếu của ngành điện và không bắt buộc phải duy trì độc quyền nhà nước.
Việt Nam vẫn chưa có một thị trường điện cạnh tranh khi nhà nước vẫn phải gồng mình bù lỗ cho các đơn vị sản xuất để bù đắp khoảng trống giữa giá thành với giá bán. Nhưng sự can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính cần được đặt trong tổng thể lợi ích của người dân, xã hội, tránh tạo ra cú sốc lớn. Trong đó, tăng giá điện là bài toán khó, dù đây là việc gần như không thể trì hoãn bởi giá thành đã cách khá xa so với giá bán lẻ. Bài toán khó giải này cũng giúp nhìn thấy ngày càng rõ hơn một thực tế: là lĩnh vực yêu cầu vốn đầu tư khổng lồ, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, ngành điện lực sẽ không thể đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ của một quốc gia đã 100 triệu dân, có nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh; và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và mục tiêu phát triển bền vững.
Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt đang được kỳ vọng thực thi nghiêm túc để nuôi dưỡng "giấc mơ thượng đế" thành hiện thực. Quy hoạch này đã cụ thể hóa Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, trong đó có các định hướng quan trọng về việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng...
Các mục tiêu đặt ra cũng rất tham vọng: Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng của Việt Nam thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Chuyển dịch năng lượng công bằng và hiệu quả theo hướng khuyến khích năng lượng sạch; tạo cơ chế để tư nhân tham gia vào quy trình cung ứng điện sẽ là những bước đột phá để ngành năng lượng quan trọng này đáp ứng không chỉ nhu cầu hiện tại mà còn cả mai sau.
Đây cũng chính là cơ sở để hy vọng một ngày người tiêu dùng trở thành "thượng đế" thực sự.
Trần Hữu Hiệp