Ngày 24/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận thương cảng Vân Đồn và đình Trà Cổ là di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích loại này trên cả nước lên 130.
Thành lập năm 1149 dưới thời vua Lý Anh Tông, Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, gồm nhiều bến thuyền trên các đảo ở vịnh Bái Tử Long. Trên phạm vi khoảng 200 km2 có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.
Suốt gần 7 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn đông đúc tàu buôn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản... Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc.
Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của thương cảng Vân Đồn xưa không còn. Hiện trong lòng đất, trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ.
Với những giá trị lịch sử, thương cảng Vân Đồn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử ngày 29/10/2003.
Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê, từng nhiều lần được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của kiến trúc đình làng quê Bắc Bộ. Mái đình theo lối chữ "đinh", mặt quay về hướng nam. Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái bái đường, 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng.
Năm 1461, dưới triều vua Lê Thánh Tông, đình bắt đầu được xây dựng để thờ 6 vị tiên công đã có công khai khẩn lập làng. Đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi quan triều đình nghỉ ngơi khi đi du ngoạn.
Hiện nay, đình lưu giữ 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rồng sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ từ thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy.
Năm 1974, đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2019 lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trước đó, Quảng Ninh có 6 di tích quốc gia đặc biệt là vịnh Hạ Long, di tích lịch sử Bạch Đằng, di tích lịch sử Yên Tử, di tích lịch sử nhà Trần, đền Cửa Ông và khu di tích Hồ Chủ tịch tại huyện đảo Cô Tô.
Lê Tân