Theo Nghị quyết có hiệu lực từ 18/8, Chính phủ lý giải trong thời gian Covid-19 bùng phát, một số nơi mua thuốc, vật tư, sinh phẩm cao hơn nhu cầu thực tế để cấp cứu bệnh nhân. Đến nay, dịch bệnh đã được không chế nên việc sử dụng số thuốc, vật tư này cho nhiệm vụ chống Covid-19 không còn cấp thiết.
Với thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, các bệnh viện chỉ được thanh toán và thu từ phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế bằng giá mua vào nhưng không cao hơn giá do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Bệnh viện được thu của người không có thẻ bảo hiểm y tế bằng giá mua vào và không cao hơn giá do cơ quan bảo hiểm thanh toán.
Nếu bệnh viện không có giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, hoặc thuốc, vật tư, sinh phẩm không thuộc danh mục Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá sẽ được tính bằng giá mua vào.
Kinh phí thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm chống Covid-19 sẽ nộp ngân sách.
Từ năm 2022, khi Việt Nam kiểm soát được Covid-19, nhiều lãnh đạo bệnh viện và đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm phục vụ chống dịch sang dùng cho khám chữa bệnh dịch vụ.
Thảo luận tại Quốc hội tháng 10/2022, PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, cho biết để chống dịch, nhiều tỉnh đã chi khoản tiền lớn mua thuốc, trang thiết bị, vật tư dự phòng. Thuốc, vật tư tiêu hao này đều có hạn sử dụng nên cần được chuyển nguồn, điều trị bệnh lý khác trước khi hết hạn. Các trang thiết bị hiện đại được mua để chống dịch như máy thở ECMO, lọc máu, X-quang di động... cũng cần thống kê, phân bổ để tránh nơi thừa, nơi thiếu.
Ông nói khi đi kiểm tra một số tỉnh miền núi phía Bắc thấy nhiều nơi lúc đại dịch chưa kịp mua máy móc hiện đại, trong khi các tỉnh miền Nam có nhiều máy được mua hoặc chuyển từ nơi khác vào. Do đó, Chính phủ cần phân bổ để sử dụng hiệu quả.