Giảm trứng cá là một trong những lợi ích của thuốc tránh thai. |
Tuy đã cố gắng giữ da sạch sẽ, từng bôi rất nhiều loại thuốc và mỹ phẩm trị mụn nhưng da mặt của Ngọc vẫn sần sùi những nốt. Một lần đi khám da liễu, nhìn đơn thuốc bác sĩ kê có một cái tên khá quen thuộc, cô giật mình: "Chú ơi đây là thuốc tránh thai mà, cháu đã có chồng đâu?". Bác sĩ xác nhận đó là thuốc tránh thai, nhưng nó sẽ góp phần giảm trứng cá cho cô. Ngọc thử dùng và thấy các nốt mụn giảm nhiều.
Còn Trang (19 tuổi, công nhân may trọ ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ra hiệu tân dược hỏi mua thuốc tránh thai sau khi nghe nói nó giúp giảm mụn. Nhưng sau một thời gian uống thuốc, cô thấy trứng cá mọc lên càng nhiều hơn.
Vậy thuốc tránh thai làm tăng hay giảm mụn trứng cá? Theo bác sĩ Đào Xuân Dũng, chuyên khoa phụ sản, câu trả lời là: Cả hai, vấn đề là bạn dùng loại thuốc nào.
Sự tăng tiết androgen là một trong những nguyên nhân gây mụn, bởi hoóc môn làm cho các tuyến bã hoạt động mạnh. Nhiều loại thuốc tránh thai hạn chế sự bài tiết androgen, làm giảm tác dụng của nó đến các tuyến bã, nhờ đó cải thiện tình trạng trứng cá.
Tuy nhiên, loại thuốc tránh thai có hàm lượng oestrogen cao và ít progestin lại có thể làm cho trứng cá mọc nhiều hơn. Còn những sản phẩm chứa chất Norgestrel dễ gây mụn ở những phụ nữ có làn da sáng.
Do đó, nếu muốn chữa trứng cá bằng thuốc tránh thai, bạn không nên tự ra hiệu thuốc để mua mà nên tư vấn ở các bác sĩ chuyên khoa phụ sản hoặc da liễu. Ngoài việc phân biệt loại thuốc nào làm tăng hay giảm mụn, bác sĩ còn xác định sức khỏe của bạn có phù hợp với việc dùng thuốc tránh thai hay không.
Ngoài ra, các chuyên gia khẳng định, không phải trường hợp trứng cá nào cũng chữa được bằng thuốc tránh thai. Nó chỉ giúp cải thiện những trường hợp bị mụn do tác động của hoóc môn. Nếu bạn bị trứng cá do vệ sinh da không tốt, mụn đã thành mủ do nhiễm khuẩn... thì dược phẩm này không có tác dụng.
Bạn nên tìm một giải pháp trị mụn khác thay vì dùng thuốc tránh thai nếu đang hoặc từng bị huyết khối, bệnh gan, u gan, tổn thương mạch máu do tiểu đường, nghi ngờ có bệnh lý ác tính ở cơ quan sinh dục hoặc ở vú; ra máu âm đạo không rõ nguyên nhân; nghi ngờ có thai. Phụ nữ bị cao huyết áp, đau nửa đầu, lupus ban đỏ, tăng triglycerid máu... cũng nên thận trọng khi dùng thuốc tránh thai.
Hải Hà