Vành nhật hoa yên tĩnh trong video quay bởi tàu Solar Orbiter. Video: ESA
Tàu Solar Orbiter phóng vào năm 2020 chụp một loạt ảnh trong đợt bay sát Mặt Trời gần đây, qua điểm cận nhật, hôm 13/10. Video quay bằng thiết bị Extreme Ultraviolet Imager (EUI) của Solar Orbiter hé lộ vành nhật hoa ở trạng thái tĩnh lặng, gần như bất động. Sự tĩnh lặng này khá bất ngờ bởi hoạt động của Mặt Trời gia tăng gần đây theo chu kỳ 11 năm.
Vành nhật hoa là lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt Trời, trải rộng hàng triệu km vào không gian. Vành nhật hoa cực kỳ nóng (hơn 1 triệu độ C), nóng hơn về mặt Mặt Trời (6.000 độ C). Khu vực này là nguồn tạo ra cơn phun trào nhật hoa, những chớp plasma từ hóa có thể ảnh hưởng tới từ trường Trái Đất và gây ra bão địa từ, dẫn tới cực quang, mất điện và trục trặc vệ tinh.
Tàu Solar Orbiter quay video khi ở cách bề mặt Mặt Trời 43 triệu km, bằng khoảng 29% khoảng cách giữa Trái Đất và ngôi sao, gần hơn quỹ đạo của hành tinh ở trong cùng hệ, sao Thủy. Mỗi pixel trong video đại diện cho khu vực rộng 105 km. Vòm plasma sáng rực trong video bị giữ tại chỗ bởi vòng xoắn từ trường cực mạnh phát ra từ bên trong Mặt Trời.
Solar Orbiter là một trong hai tàu vũ trụ đang khám phá Mặt Trời ở khoảng cách gần. Tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA bay sát Mặt Trời hơn, nhưng tàu Solar Orbiter chụp ảnh Mặt Trời cận cảnh hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác. Môi trường ở khu vực tàu Parker bay qua cách bề mặt Mặt Trời vài triệu km quá nóng để thiết bị chụp ảnh có thể hoạt động. Kết hợp với nhau, hai tàu vũ trụ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hành vi của Mặt Trời. Dù đây là ngôi sao gần Trái Đất nhất, vẫn còn nhiều điều giới nghiên cứu chưa rõ về nó như tại sao vành nhật hoa lại nóng đến vậy hay cơ chế chính xác của chu kỳ hoạt động 11 năm.
An Khang (Theo Space)