Thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vàng thau lẫn lộn
Xuất hiện cách đây hơn 5 năm, tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) hiện đang được bày bán tràn lan trái phép trên mạng; thậm chí các cửa hàng bán các sản phẩm vape (một dạng của TLTHM) còn nghiễm nhiên đặt bảng hiệu kinh doanh "Vape club".
Lê Tiến Anh (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hai năm gần đây anh đã chuyển từ thuốc lá điếu sang TLLN và mua qua mạng. Theo người bán, sản phẩm này được xách tay nguyên kiện hàng Nhật, do vậy không có giấy tờ nhập khẩu.
Trong khi đó anh Hà Ngọc An (35 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đã dùng TLĐT được ba năm nay. Tinh dầu anh mua được người bán cho biết hàng của Mỹ nhưng mức độ thật ở trong chai tinh dầu thì anh cũng không hoàn toàn tin tưởng. Anh cho biết thêm, tinh dầu đa dạng lắm có tiền thì mua hàng Mỹ, Anh, còn ít tiền thì dùng hàng Trung Quốc.
Bên cạnh thuốc lá điếu thông thường, những năm qua, các cơ quan chức năng đã thu giữ không ít sản phẩm TLTHM nhập lậu, buôn bán trái pháp luật bao gồm thiết bị điện tử để làm nóng các sản phẩm thuốc lá đặc chế của thuốc lá làm nóng hoặc tinh dầu của thuốc lá điện tử.
Theo Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), thuốc lá làm nóng có hàm lượng các chất gây hại với cơ thể thấp hơn so với thuốc lá điếu vì đã loại bỏ quá trình đốt cháy. PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Hô hấp TP HCM, cho biết, TLLN đã được một số quốc gia cho phép như là biện pháp giảm tác hại của thuốc lá, đặc biệt là với những người nghiện thuốc lá không bỏ được. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cho biết thêm, những loại thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, buôn bán trôi nổi từ thị trường chợ đen thiếu kiểm soát chất lượng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại với sức khỏe.
Thậm chí, các chuyên gia cảnh báo, với các loại TLĐT có hệ thống mở, hút TLĐT trôi nổi, có thể trộn lẫn ma túy gây ngộ độc, sốc, co giật, rối loạn tâm thần, nhịp tim, tăng huyết áp... và để lại hậu quả khó lường.
Xem xét quản lý TLTHM
Theo Nghị định 98/2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/10/2020, người có hành vi kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hoặc tàng trữ dù chỉ một gói thuốc lá lậu sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng. Mức phạt này có thể lên đến 100 triệu đồng nếu buôn bán với số lượng lớn. Tuy nhiên, điều luật này hiện không áp dụng cho TLTHM vì sản phẩm chưa được nêu rõ trong bất kỳ văn bản nào của hệ thống Luật hiện nay. Thế nên, việc xử lý những sản phẩm này chỉ ở mức phạt nhập lậu và buôn bán trái phép các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.
Từ nhiều năm qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần xây dựng chính sách quản lý phù hợp đối với sản phẩm TLTHM. Theo đề xuất của Bộ Công thương, trước mắt có thể thí điểm đối với TLLN.
Cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc cấm sản phẩm TLTHM. Tuy nhiên, theo Luật sư Tạ Minh Trình (thành viên Đoàn luật sư TP HCM): "Việc cấm TLTHM là khó khả thi. Cấm đoán sẽ làm chúng ta lại đối mặt với rủi ro khác, đó là sản phẩm này không biến mất hoàn toàn mà chuyển từ công khai sang hình thức lén lút, nhập lậu".
Tại tọa đàm "Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới" (tổ chức ngày 7/1, tại Hà Nội), bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cho biết, nhiều quốc gia không cấm triệt để hoặc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng vì "nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì phát sinh thị trường "chợ đen".
Trong khi đó, cũng nêu ý kiến tại tọa đàm ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng: "Thí điểm TLTHM là cần thiết, bởi vì hiện nay các cơ quan nhà nước đang thiếu những luận cứ để đánh giá đầy đủ nhằm xác lập một chính sách. Theo tôi, dứt khoát phải quản lý TLTHM vì khi xã hội xuất hiện nhu cầu thì Nhà nước không thể không quản lý".
Mặt khác, theo các chuyên gia y tế, hút thuốc dù là thuốc lá điếu hay TLTHM đều gây hại, do vậy, ưu tiên đầu tiên vẫn là cai bỏ thuốc lá. Dù ai cũng biết điều đó nhưng tỷ lệ cai thuốc thành công tại Việt Nam, cũng như trên toàn cầu rất khiêm tốn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng với những người không thể bỏ thuốc lá thì cần có những biện pháp đáp ứng nhu cầu nicotine với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn. Điều này vẫn gây rủi ro vì nicotine là chất gây nghiện tuy nhiên sẽ giảm thiểu tác hại của thuốc lá.
WHO khuyến cáo việc giảm phơi nhiễm với các hóa chất có hại trong TLLN hay các sản phẩm TLTHM không làm cho sản phẩm trở nên vô hại, đồng thời chưa có kết luận về khả năng giảm nguy cơ đối với sức khỏe và đang được khoa học tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, theo WHO với những sản phẩm TLTHM, chính phủ các nước cần kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm phải tuân thủ các biện pháp chính sách và quy định áp dụng dựa trên Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại, đồng thời phù hợp với Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Ngọc An - Anh Chi