Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM cho biết thuốc lá là sát thủ hàng đầu và làm nặng gánh kinh tế xã hội, gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Nguyên nhân gây bệnh chính nằm trong khói thuốc lá khi chứa hàng nghìn chất gây ung thư, các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gene...
Cụ thể, khói và tàn thuốc lá li ti kể cả có đầu lọc hay không, khi hít vào trong phổi sẽ kích thích hệ thống tế bào viêm, gây viêm mạn tính và phá hủy tế bào biểu mô bề mặt đường thở, phế nang, làm giảm lượng oxy vào máu gây khí phế thủng (khó thở). Viêm phế quản mạn tính cùng khí phế thủng gọi chung là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (CODP).
Các chất độc hại có trong khói thuốc còn làm thay đổi ADN tế bào, gây đột biến tế bào niêm mạc hô hấp sinh ung thư phổi và những ung thư khác như dạ dày, bàng quang, miệng, hầu, họng, mũi và xoang, thanh quản, thực quản, gan, tụy, thận, ruột, buồng trứng, lá lách, cổ tử cung và một số loại bệnh bạch cầu.
Hai chất nguy hiểm nhất trong khói thuốc là nicotine và carbon monoxide. Nicotine không dẫn đến ung thư nhưng khả năng gây nghiện cao. Các thành phần khác của thuốc lá gọi chung là hắc ín, chứa nhiều chất gây ung thư. Nicotine làm tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu đến tim và thu hẹp động mạch (mạch máu dẫn máu từ tim), nguy cơ xơ cứng thành động mạch, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Carbon monoxide là loại khí không mùi, không màu, có thể khiến làm giảm lượng oxy dùng để vận chuyển các tế bào hồng cầu, tăng lượng cholesterol tích tụ ở thành trong của động mạch, làm cho động mạch xơ cứng, dẫn đến các bệnh về tim mạch.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thống kê, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên toàn cầu. Một triệu người trong số đó hút thuốc lá thụ động - hình thức hít phải khói thuốc lá từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá.
Theo bác sĩ Trần Văn Ngọc, Việt Nam hiện nay có khoảng 15,6 triệu người hút thuốc lá, thuốc lào. Tình trạng hút thuốc lá thụ động cũng đáng lo ngại khi 28,5 triệu người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình; 5,9 triệu người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc.
97% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam có hút thuốc lá. Số tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, một trong những nguyên nhân là sử dụng thuốc lá. Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt chết liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
90% người nghiện thuốc lá không thể cai
Khảo sát "Tác hại của thuốc lá" diễn ra trên VnExpress bắt đầu từ 27/5, đến ngày 16/6 có 4.961 người tham gia trả lời. Trong đó, gần 93% nghĩ đến việc cai thuốc lá. Tuy vậy, khoảng 43% từng thử cai thuốc lá nhưng chưa thành công. Ngoài ra, hơn 26% đã cai thành công nhưng tái nghiện. 94% trong số họ đều đồng tình việc giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá có ý nghĩa quan trọng với sức khoẻ bản thân và cộng đồng.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho biết, gần như tất cả người hút thuốc lá đều biết rõ tác hại của nó, họ muốn bỏ thuốc lá nhưng không bỏ được. Việc không bỏ được thuốc lá hay tái nghiện do hai yếu tố: lệ thuộc vào nicotine và nghiện hành vi hay động tác hút thuốc. Chính vì điều này mà các liệu pháp thay thế nicotine trong dược phẩm (như miếng dán, kẹo ngậm, chai xịt...) vẫn thất bại.
Nicotine trong thuốc lá là chất gây nghiện mạnh. Khi hít một hơi thuốc lá, nicotine đi qua phổi, vào máu và đến não chỉ sau 7 giây. Người hút có cảm giác dễ chịu, bớt căng thẳng, muốn hút nhiều hơn do nicotine tác động vào vùng não tưởng thưởng - nơi sản xuất sự hưng phấn và kích thích. Về lâu dài, nicotine tác động làm thay đổi bộ não, làm suy giảm thùy trán, khiến người hút mất khả năng suy luận đúng. Họ phụ thuộc và lựa chọn cảm giác sảng khoái thoáng qua khi hút thuốc lá, thay vì nghĩ đến tác hại bệnh tật lâu dài của nó.
Bác sĩ Trần Văn Ngọc nhấn mạnh, hơn 50% tái nghiện sau khi cai thuốc lá thành công vì các nguyên nhân như lên cân, bạn bè rủ rê, nhớ không khí hút thuốc. Vì vậy, cai thuốc lá phụ thuộc nhiều vào quyết tâm và ý chí của người hút. Người nghiện thuốc lá nặng sẽ khó cai và tốn nhiều thời gian, công sức hơn. Người có vấn đề sức khỏe tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu...) cũng khó cai thuốc lá; họ cần điều trị chuyên khoa tâm lý - tâm thần, song song với cai thuốc lá.
Còn theo khảo sát trên VnExpress, hàng trăm người cho biết không thể cai thuốc lá vì đây đã là thói quen, ngoài ra còn do áp lực cuộc sống, cảm giác thèm, buồn miệng hay bị bạn bè rủ rê...
Bác sĩ Trần Văn Ngọc cho rằng nên có cách tiếp cận như FDA hay Bộ Y tế Nhật đang làm, bằng cách chỉ định "biện pháp giảm thiểu tác hại", đặc biệt cho những bệnh nhân COPD, tim mạch , ung thư... gây ra do nghiện hút thuốc lá, dưới sự giám sát của ngành y tế hơn là cấm đoán. Điều quan trọng là ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán cũng như chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài, để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, bác sĩ Trần Văn Ngọc nêu ý kiến cần giáo dục tác hại của thuốc lá (chủ động và thụ động) vào trường tiểu học. Giáo dục càng sớm sẽ giúp các em có cơ hội tránh xa loại hình này, đồng thời các em cũng có thể trở thành người tư vấn cha mẹ bỏ thuốc lá.
Với những người tham gia khảo sát của VnExpress, có hơn 90% độc giả quan tâm đến các biện pháp giúp giảm tác hại của khói thuốc và rất cần sự tư vấn từ chuyên gia, các bác sĩ. Họ cũng đề xuất một số giải pháp giảm tác hại thuốc lá như ăn uống (kẹo, trái cây, kẹo cao su...) nhằm giảm cảm giác thèm hút; tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến cộng đồng; tập thể dục; chọn các giải pháp thay thế, ít tác hại hơn...
Minh Tú