Thị trường Việt Nam đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thông qua con đường nhập lậu như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN)... với xu hướng sử dụng ngày càng tăng. Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng công bố kết quả nghiên cứu năm 2022, cho thấy 3,5% học sinh 13 đến 15 tuổi hút TLĐT, so với tỷ lệ ba năm trước là 2,6%.
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023 đã kiểm tra hơn 700 vụ, xử lý hơn 580 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý trên 27.000 bao thuốc lá và tương đương, xử lý trên 4.300 sản phẩm các loại TLĐT, TLLN...
Thuốc lá thế hệ mới nhập lậu gây ra nhiều hậu quả về sức khỏe, theo nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC, FDA về mức độ tác hại của TLLN, TLĐT...
Với TLĐT, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận 2.800 ca nhập viện do viêm phổi cấp từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2020, do sử dụng tinh dầu nhập lậu từ thị trường chợ đen. Trong các sản phẩm nhập lậu chứa chất THC, vitamin E acetate là một dạng tổng hợp của vitamin tạo ra chất tương tự với dầu, có độ nhớt cao. Khi đi vào hệ hô hấp, các chất này sẽ bao phủ bề mặt tế bào phổi, gây khó thở, tắc nghẽn chức năng phổi dẫn tới suy hô hấp cấp.
Từ sau 2020, tình trạng này đã giảm đáng kể do người dùng Mỹ tăng nhận thức về mối nguy hại của chất THC, loại bỏ vitamin E acetate, siết chặt thực thi pháp luật liên quan thị trường chợ đen.
Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định tất cả các loại thuốc lá đều có hại. Trong khí hơi aerosol của TLLN, hàm lượng chất gây hại đã giảm đi nhưng một số chất khác như glycidol, pyridine, dimethyl trisulfide, acetoin and methylglyoxal cao hơn khói của thuốc lá điếu.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thẩm định và cho phép kinh doanh sản phẩm TLLN đầu tiên. FDA cho rằng TLLN gây hại và có thể giảm khả năng giảm phơi nhiễm với hàm lượng các chất gây ra ung thư, các bệnh lý liên quan khác trong khói thuốc.
Viện Sức khỏe Cộng đồng Quốc gia Nhật Bản, năm 2017 đánh giá nồng độ các chất gây hại gồm hắc ín, carbon monoxide (CO) và nitrosamine và nicotine (chất gây nghiện). Kết quả nồng độ nitrosamine (chất gây ung thư đặc trưng) của TLLN bằng 1/5 và nồng độ CO bằng 1/100 so với khói thuốc thông thường.
TLLN không giúp cai hoàn toàn thuốc lá, có thể được cung cấp cho người chưa cai thuốc thành công, theo bác sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Điều trị A, Bệnh viện K. Đây là một trong hai nhóm sản phẩm gọi là "nicotine sạch" (chỉ nicotine, không có khói). Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn có hại cho sức khỏe, chỉ làm giảm phơi nhiễm với chất gây hại.
Vấn đề về thuốc lá mới nhập lậu đang nóng lên từng ngày. Các bộ, ngành trong nước vẫn đang trong quá trình tìm tiếng nói chung để xây dựng chính sách cụ thể đối với thuốc lá mới.
Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá toàn cầu lần thứ 10 (COP10) sẽ diễn ra vào năm 2024, nhằm tìm kiếm giải pháp cho người hút thuốc, giảm tiêu thụ thuốc lá.
Quốc Cơ