Thạc sĩ, bác sĩ Dương Duy Khoa, Bộ môn Nội, Đại học Y dược TP HCM, phát biểu như trên tại hội nghị liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM, cuối tuần trước.
Bác sĩ Khoa cho biết, khảo sát năm 2015, gần 50% đàn ông Việt Nam hút thuốc lá. Điều này cho thấy hút thuốc vẫn là một vấn nạn tại nước ta. Thực tế, đa số mọi người đều biết rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe chính mình và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Trong những người hút thuốc lá, gần 40% từng nỗ lực bỏ thuốc trong 12 tháng qua, song không thành công.
Các nhà khoa học cho rằng có ba yếu tố dẫn đến nghiện thuốc lá: sinh lý, tâm lý và xã hội. Ba yếu tố này tác động lẫn nhau, khiến thuốc lá dễ nghiện, khó cai và dễ hút trở lại sau khi cai. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do nicotine - thành phần gây nghiện của thuốc lá. Nicotine không gây độc, không dẫn đến ung thư nhưng khả năng gây nghiện cao. Các thành phần khác của thuốc lá gọi chung là hắc ín, chứa rất nhiều chất gây ung thư.
Cơ chế gây "phê, sướng" của nicotine diễn ra gần như ngay lập tức. Khi hít một hơi thuốc lá, nicotine đi qua phổi, vào máu và đến não chỉ sau 7 giây. Người hút có cảm giác dễ chịu, bớt căng thẳng, muốn hút nhiều hơn do nicotine tác động vào vùng não tưởng thưởng - nơi sản xuất sự hưng phấn và kích thích. Về lâu dài, nicotine tác động làm thay đổi bộ não, làm suy giảm thùy trán, khiến người hút mất khả năng suy luận đúng. Họ phụ thuộc và lựa chọn cảm giác sảng khoái thoáng qua khi hút thuốc lá, thay vì nghĩ đến tác hại bệnh tật lâu dài của nó.
Người nghiện thuốc lá nặng sẽ khó cai và tốn nhiều thời gian, công sức hơn, bác sĩ cho biết. Người nghiện nặng, ngay khi vừa thức dậy, việc đầu tiên của họ là hút thuốc thay vì các hoạt động vệ sinh cá nhân, ăn uống, vận động. Số điếu thuốc hút trong ngày cũng là một dấu hiệu về mức độ nặng. Người có vấn đề sức khỏe tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu...) cũng là những người khó cai thuốc lá. Họ cần điều trị chuyên khoa tâm lý - tâm thần, song song với cai thuốc lá.
Nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình cai nghiện của người hút thuốc lá, bên cạnh nỗ lực bản thân người hút và sự hỗ trợ của gia đình, bác sĩ Khoa cho hay. Cụ thể, bác sĩ tìm hiểu tình trạng hút thuốc lá của người bệnh ở mỗi lần khám, hướng dẫn dùng thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nếu có thể. Hỗ trợ tâm lý hành vi kết hợp dùng thuốc có thể tăng khả năng cai thuốc lá gấp nhiều lần.
"Ý chí và nỗ lực giúp một số ít người cai thuốc lá thành công. Tuy nhiên đa số người hút thuốc lá cần nhiều sự hỗ trợ hơn, như thuốc, điều trị tâm lý, thậm chí bệnh lý", bác sĩ Khoa nói.
Thư Anh