Ngày 25/5, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết như trên tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của các sản phẩm tiêu dùng có hại sức khỏe, do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện vitamin E acetate trong dung dịch thuốc lá điện tử.
Vitamin E acetate là dung dịch lỏng, quánh, được trộn với tetrahydrocannabinol (THC) làm dung dịch trong thuốc lá điện tử. Khi vitamin bị nung nóng trong thuốc lá điện tử sẽ tạo thành khí ketene độc, gây bệnh Tổn thương phổi cấp liên quan thuốc lá điện tử (e-cigarette or vaping, product use associated lung injury - EVALI).
"Đây là một bệnh lý mới chưa có phác đồ điều trị chính thức, gây tổn thương phổi mạn tính", bác sĩ Nguyên nói, thêm rằng hiện chưa phát hiện ca bệnh EVALI tại Việt Nam. Các bệnh viện đã được Bạch Mai cảnh báo để sàng lọc chẩn đoán, xét nghiệm kỹ hơn khi có bệnh nhân ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.
EVALI được phát hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 2019, tăng mạnh vào tháng 8 và đạt đỉnh vào tháng 9 cùng năm. Tới ngày 18/2/2020, Mỹ ghi nhận hơn 2.800 ca, trong đó 68 ca tử vong. Tuổi trung bình bệnh nhân 24, trong đó 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18 đến 24 tuổi.
Theo ông Nguyên, đây là bệnh nguy hiểm, tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau, rối loạn khuyếch tán kéo dài ít nhất hai tháng.
Triệu chứng của EVALI xuất hiện hàng giờ, hàng tuần trước khi nhập viện, gồm khó thở, ho, đau ngực, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt. Sau đó, các chỉ số như máu lắng, bạch cầu đều tăng, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương trông lỗ chỗ như bánh mì hoặc như bỏng ngô.
"Hút thuốc lá điện tử phát sinh các bệnh hay ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục, không thể giải quyết hậu quả và tăng gánh nặng xã hội", ông Nguyên nói và đề nghị Chính phủ không thí điểm sản phẩm thuốc lá nung nóng, xây dựng chính sách chặn thuốc lá điện tử, tránh hậu quả về sức khỏe đè nặng lên "phòng tuyến cuối cùng" là hệ thống y tế.
Không nên thí điểm thuốc lá nung nóng
Ý kiến của bác sĩ Nguyên được bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, đồng tình, bởi "thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại sức khỏe", trong bối cảnh một số ý kiến đề nghị cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là thuốc lá mới, ngày càng phát triển, hiện ở thế hệ thứ 4. Thuốc lá điện tử chứa nicotin là chất gây nghiện cao. Để che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít, nhà sản xuất sử dụng rất nhiều loại hương liệu. Còn thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường, chẳng hạn glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).
Hiện nay các loại thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm lai giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn. Do đó, theo bà Hương, nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình, rất khó kiểm soát.
"Không nên thí điểm một sản phẩm gây hại cho sức khỏe", bà Hương nói. Còn bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần trong 5 năm, theo dữ liệu của Bộ Y tế. Năm 2020, nghiên cứu cho thấy 3,6% người trưởng thành tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử, trong khi năm 2015 chỉ 0,2%. Tỷ lệ người hút là nam tăng từ 0,4% lên 5,6%, còn nữ tăng từ 0,1% lên 1%.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Năm 2020, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung ở nhóm 15-24 tuổi với tỷ lệ 7,3%, trong khi nhóm 25-44 tuổi là 3,2%, còn nhóm 45-64 tuổi chỉ 1,4%. Cũng năm này, nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên tuổi 13-17 của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6%.
Một nghiên cứu khác, của Meta-Analysis, cho thấy người trẻ tuổi thử sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử.
Theo bà Thu Hương, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng mới du nhập vào Việt Nam nên chưa được nghiên cứu để đề xuất đưa vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. Tuy nhiên do hai mặt hàng không được quy định cụ thể trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nên chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành. Mặt khác, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam đều là hàng lậu nên có thể áp dụng các chế tài xử lý hành chính, hình sự đối với hàng nhập lậu.
Các bộ Tài chính, Y tế đang phối hợp đề xuất cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này và đồ uống giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam.