![]() |
Ảnh: Lao Động. |
Dược sĩ Lê Thị Hồng Mích, chủ quầy thuốc của Công ty dược phẩm Trung ương 1 tại trung tâm dược Ngọc Khánh, cho biết, kháng sinh cephalexin 500 mg tăng giá chóng mặt trong 5 tháng qua: Cuối tháng 3 xấp xỉ 600 đồng/viên, đến đầu tháng 5 thành 660 đồng/viên, cuối tháng 6 lên 830 đồng.
Nhà sản xuất - công ty dược phẩm Trung ương 1 - đã có đơn đề nghị điều chỉnh giá niêm yết đối với cephalexin và 5 loại kháng sinh khác. Có loại được tăng giá đến 100% như amoxicilin 500 mg, từ 500 đồng lên 1.000 đồng một viên. Sau 17 ngày, do không thấy Cục Quản lý dược có ý kiến nên công ty đã tự động áp dụng giá mới từ hơn 2 tháng qua.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong khoảng 2 tháng gần đây, giá các loại kháng sinh nội đều tăng từ 15 đến 17%, kháng sinh ngoại có tăng nhưng ít hơn. Sở cũng đã nhận được đơn xin điều chỉnh giá thuốc của một số công ty.
Giá tăng là do nguyên liệu
Theo ông Đống Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa thể tự lực cánh sinh khâu nguyên liệu thuốc. Trong khi đó, một số đầu mối về nhập khẩu thuốc lại có sự biến động về nguồn nguyên liệu sản xuất kháng sinh, vitamin. Chính những yếu tố này đã đẩy giá kháng sinh lên gấp 3 lần so với đầu năm 2006.
Thống kê của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược trong 2 tháng vừa qua cho thấy, giá nguyên liệu kháng sinh từ Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng nhiều so với đầu năm. Chẳng hạn, amoxicilin từ 882.000 đồng/kg lên hơn 1 triệu đồng; cephalexin từ 1,1 triệu đồng lên gần 1,2 triệu đồng. Do đó, doanh nghiệp buộc phải nâng giá sản phẩm.
Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường dược phẩm tháng 9 sẽ còn tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Cơ quan chức năng bất lực
Cho đến thời điểm này, Cục Quản lý Dược vẫn đang "đau đầu" trong quản lý giá thuốc vì không biết nên quy định thặng số lãi trần qua các khâu bán buôn, bán lẻ hay quy định theo giá trần. Một vị thứ trưởng Bộ Y tế từng hứa chậm nhất là tháng 5/2007 phải ra bằng được thông tư hướng dẫn thực hiện về quản lý giá thuốc, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp muốn tăng giá thuốc phải kê khai lại ở Cục Quản lý dược hoặc sở y tế sở tại. Theo một chuyên gia, quy định này không mang lại mấy hiệu quả bởi không có cơ chế kiểm soát ngoài 2 chữ "thông báo".
Việc kê khai cần được kèm theo đầy đủ thông số tạo nên giá. Nhưng với hơn 10.000 loại thuốc nội ngoại đang lưu hành hiện nay, Bộ Y tế chưa nắm được nhiều thông tin về các thông số này. Và thực tế đã chứng minh là giá thuốc vẫn cứ tăng vù vù vài đợt từ đầu năm đến nay.
(Theo Lao Động, Người Lao Động)