Với nguồn cung hạn chế, nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong việc lựa chọn bệnh nhân sử dụng thuốc remdesivir.
"Chúng tôi cuối cùng đã xoay sở để có đủ máy thở. Nhưng số lượng thuốc remdesivir được cung cấp lại quá ít để điều trị cho tất cả bệnh nhân đang nằm viện và những người sẽ đến trong tuần tới", tiến sĩ Rochelle Walensky, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nói.
Trước đó, ngày 4/5, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng remdesivir trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động phân phối thuốc của chính phủ diễn ra một cách không rõ ràng và khó hiểu.
Theo hãng dược Gilead Sciences, lượng thuốc chỉ đủ dùng cho khoảng 100.000 đến 200.000 bệnh nhân trên toàn thế giới. Công ty đã đẩy mạnh sản xuất để bắt kịp nhu cầu thực tiễn, song khoảng 40% nguồn cung được dành riêng cho Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh (HHS) thông tin.
Tuần trước, chính phủ đã bắt đầu chuyển cho các bệnh viện những lọ remdesivir đầu tiên. Tuy nhiên một số khu vực, dù chịu ảnh hưởng nặng nề, vẫn không nhận được liều nào.
Bang California ghi nhận hơn 67.000 ca nhiễm nCoV kể từ đầu dịch cho đến nay. Song các cơ sở y tế không nhận được thuốc. Tại Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco, bác sĩ chỉ có thể dùng remdesivir trong thử nghiệm lâm sàng hoặc theo hình thức "nhân đạo" - dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
"Trước đây, tôi có thể thành thật với bệnh nhân rằng Covid-19 không có thuốc chữa. Nay có thuốc rồi, chúng tôi lại chẳng thể sử dụng cho họ", Annie Luetkemeyer, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, nói.
"Khi truyền thông đưa tin về kết quả thử nghiệm remdesivir, tôi đã vui sướng kể lại với chồng. Nhưng sau 9 ngày, tôi phải thừa nhận với bệnh nhân rằng mình không thể kê đơn cho họ", cô chia sẻ.
Trong đại dịch Cúm lợn H1N1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thiết lập hệ thống phân bổ thuốc kháng virus peramivir cấp quốc gia. Song lần này, HHS đã không đưa ra bất cứ thông tin liên quan nào, ngoại trừ báo cáo được phát hành hồi đầu tháng 5.
Sau khi nhận được phản hồi của bác sĩ, HHS quyết định trở về kế hoạch ban đầu, tức là phân phối remdesivir cho các cơ sở y tế địa phương. Song cho tới khi quá trình này hoàn tất, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến đầu vẫn vật lộn, "co kéo" số thuốc hạn chế mà họ nhận được trước đó.
Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã thành lập một ủy ban cố vấn, bao gồm các chuyên gia y đức để ban hành hướng dẫn phân bổ nguồn cung. Nhóm làm việc thông qua bệnh án. Số lượng thuốc tại đây đủ dùng cho 65 người.
"Các bệnh nhân sẽ được giấu tên và giấu mặt. Chúng tôi cần phải quyết định ưu tiên cho ai", tiến sĩ Walensky nói.
Hai tháng trước, đây là cách các bệnh viện ở Italy xử lý nan đề khan hiếm máy thở. Tuy nhiên remdesivir không phải biện pháp cứu sinh. Dù rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân khoảng bốn ngày, thuốc không được chứng minh làm giảm nguy cơ tử vong.
Quá trình chọn lựa bệnh nhân Covid-19 được sử dụng remdesivir cũng luôn có những "điểm mù". Bác sĩ muốn cung cấp thuốc cho người bệnh khả năng hồi phục cao nhất, dựa trên thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên Viện Y tế Quốc gia tới nay chưa công bố kết quả.
"Chúng tôi không có đủ dữ liệu để làm việc này, chưa có nhiều thông tin về lịch sử thuốc", tiến sĩ Walensky cho biết.
Các nhà lập pháp cũng tỏ ra không mấy hài lòng.
"Bác sĩ phải đưa ra quyết định sinh tử bởi số lượng phân phối còn hạn chế. Kết quả thử nghiệm lâm sàng là cực kỳ quan trọng trong trường hợp này. Nhưng nó chưa được công bố", Lloyd Doggett, chủ tịch Tiểu ban Sức khỏe và Hộ dân cư, nhận định.
Tiến sĩ Walensky cũng cho biết nhiều bác sĩ tại bệnh viện của bà đã từ chối cung cấp remdesivir cho bệnh nhân có dấu hiệu tự phục hồi tốt. Họ lập luận không muốn để người bệnh sử dụng loại sản phẩm mới, với cả lợi ích và hồ sơ lịch sử chưa rõ ràng.
Thục Linh (Theo CNN)