Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dược Sở Y tế TP HCM cho biết 2014 là năm đầu tiên Sở Y tế TP HCM đấu thầu tập trung cho toàn bộ thuốc cung cấp cho các bệnh viện của thành phố. Đây là lần duy nhất Công ty VN Pharma tham gia đấu thầu ở Sở.
Tiến trình đợt đấu thầu thuốc tập trung ba năm trước
Theo quy định, để chuẩn bị cho việc mời thầu, các bệnh viện xây dựng danh mục thuốc và nhu cầu sử dụng trong năm rồi gửi về Sở Y tế. Hội đồng tư vấn chuyên môn có 46 người gồm đại diện lãnh đạo Sở, hội đồng thuốc bệnh viện, bảo hiểm xã hội... xem xét danh mục trên các phương diện như có thỏa mãn chuyên môn điều trị, bảo hiểm y tế chi trả, sự phù hợp với phác đồ điều trị, có nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế khác biệt không... Hội đồng cũng xem xét cơ cấu sử dụng thuốc, tỷ lệ biệt dược gốc so với nhóm thuốc thế hệ thứ hai (generic), thuốc ngoại so với thuốc trong nước, sự đảm bảo nhu cầu đa dạng, phân tầng trong điều trị...
Sau khi hội đồng thông qua, danh mục này được chuyển cho Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế TP HCM để tiến hành mời thầu và đấu thầu. Nhà thầu tham gia đấu thầu bằng cách nộp hai túi hồ sơ, trong đó một túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, một túi đề xuất về thời giá thuốc.
Khi mở thầu Sở Y tế thành lập tổ chuyên gia và tổ thẩm định. Tổ chuyên gia tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu qua hai tiêu chí là năng lực, kinh nghiệm và cho điểm kỹ thuật từng sản phẩm. Những sản phẩm nào đạt được điểm kỹ thuật tối thiểu là 70 mới được xem xét về giá dự thầu. Tổ thẩm định làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch, thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu. Hai tổ chuyên gia và tổ thẩm định hoạt động một cách độc lập nhưng trên tinh thần tập thể để đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo ông Dũng, hội đồng chuyên gia chỉ thẩm định về hoạt chất, dạng bào chế, hàm lượng nồng độ yêu cầu... chứ không phải tên thuốc (tên thương mại). Do đó sau khi có kết quả trúng thầu thì mới biết thuốc trúng thầu của công ty nào, tên thuốc là gì. Ví dụ khi đấu thầu chỉ đưa ra yêu cầu là mua thuốc trị ung thư có hoạt chất capecitabine 500 mg, các công ty có những sản phẩm đáp ứng yêu cầu về hoạt chất này thì sẽ tham gia dự thầu.
Theo nguyên tắc mỗi công ty muốn nhập khẩu thuốc thì sẽ nộp hồ sơ xin nhập khẩu cho Cục Quản lý Dược. Cục đồng ý lưu hành thuốc đó ở thị trường Việt Nam thì sẽ cấp giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành thuốc để công ty mang đến các địa phương, bệnh viện đấu thầu.
Lô thuốc của VN Pharma bị phát hiện như thế nào
Thuốc H-Capita tham gia đấu thầu ra sao
Trong đợt đấu thầu thuốc năm 2014, Sở Y tế TP HCM đưa ra giá kế hoạch cho hoạt chất capecitabine 500 mg trị ung thư là 66.000 đồng. Giá kế hoạch được xây dựng dựa trên giá trúng thầu của thuốc 12 tháng trước. Theo quy định, giá trúng thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá kế hoạch.
"Trong hồ sơ dự thầu năm 2014 từ VN Pharma, thuốc H-Capita của nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc. Canada, Sở nhận được các giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành sản phẩm đều có đóng dấu của Cục Quản lý Dược theo đúng quy định", ông Dũng cho biết.
Đối với thuốc Capita, VN Pharma chào giá 31.000 đồng, thấp nhất trong các nhà thầu cung cấp thuốc capecitabine năm ấy, nên thắng các đối thủ và trở thành nhà cung cấp. Tổng lượng thuốc trúng thầu năm 2014 của VN Pharma vào Sở Y tế TP HCM là 64 mặt hàng, trị giá 476 tỷ đồng, chủ yếu là thuốc sản xuất trong nước. Công ty này chỉ nhập khẩu một số mặt hàng, đa số là liên doanh liên kết với rất nhiều công ty dược lớn trong nước để sản xuất thuốc.
Năm 2014 tổng giá trị trúng thầu của 1.211 mặt hàng tại Sở Y tế TP HCM rẻ hơn năm trước 25%.
Hậu đấu thầu tập trung 2014
Sau khi công bố kết quả các nhà thầu có 10 ngày để khiếu nại, thắc mắc. Đợt đấu thầu năm 2014 có khoảng 25 ý kiến từ 23 đơn vị, không có khiếu nại nào liên quan VN Pharma và tất cả đều được giải quyết. "Có khoảng 236 nhà thầu tham dự, nếu thủ tục mở thầu của Sở làm sai hoặc có sự ưu ái thì họ dễ dàng phát hiện và lên tiếng ngay", ông Dũng chia sẻ.
Thuốc H-Capita sau khi trúng thầu vừa nhập về Việt Nam, Bộ Y tế xác định lô thuốc này "không rõ nguồn gốc, không đủ các điều kiện sử dụng cho người" nên đã niêm phong, cấm lưu hành ra thị trường. Sở Y tế TP HCM quyết định hủy kết quả trúng thầu đó. "Đồng nghĩa chưa có bác sĩ nào kê đơn, chưa có bệnh nhân nào dùng thuốc. H-Capita chỉ là một trong số những loại thuốc trị ung thư, hoạt chất capecitabine còn ở nhiều nhóm dự thầu khác nên việc ngưng này không ảnh hưởng đến tình hình sử dụng thuốc các bệnh viện", ông Dũng nhấn mạnh.
Các thuốc còn lại của VN Pharma trúng thầu vẫn được sử dụng vì đạt các tiêu chí theo quy định. Các thuốc đó sau này cũng đã được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra, đáp ứng chất lượng.
Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù. Bộ Y tế ngày 29/8 khẳng định VN Pharma được cấp phép nhập khẩu lô Capita đúng quy định do có đầy đủ hồ sơ giấy tờ và các tài liệu được làm giả một cách tinh vi nên thời điểm ấy các chuyên viên của Bộ không thể nhận biết bằng mắt thường. |