Một nam bệnh nhân gần 10 ngày bị đau vùng hông không rõ lý do, không thể gập người hay ngồi xuống được. Kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện một chiếc tăm xỉa răng dài đến 6 cm trong ổ bụng bệnh nhân đâm xuyên làm thủng ruột non. Chiếc tăm đi vào ổ bụng tạo khối áp xe ở vùng hố chậu phải khiến bệnh nhân đau đớn kéo dài.
Các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa đã phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân để đưa dị vật ra ngoài, cắt lọc và khâu lỗ thủng ở thành ruột non, loại bỏ khối áp xe và rửa toàn bộ ổ bụng. Bệnh nhân chia sẻ: “Tôi không biết đã nuốt cây tăm vào bụng lúc nào”.
Một bệnh nhân khác 77 tuổi quê Bạc Liêu nhập viện trong tình trạng đau nửa bụng bên phải cấp lan ra vùng rốn. Trước đó, ông đau bụng âm ỉ suốt ba tháng không thuyên giảm, gần đây sờ thấy một khối u dưới hạ sườn phải, nhấn vào rất đau. Kết quả siêu âm cho thấy dị vật đã tạo thành ổ áp xe gần đại tràng góc gan. Bác sĩ đã nội soi gắp dị vật là chiếc xương cá dài 3 cm, xử trí khối áp xe và khâu chỗ thủng.
Trường hợp thứ ba là bà cụ 77 tuổi ở TP HCM nhập viện do đau bụng nhiều ngày. Kết quả siêu âm và CT-scan bụng cho thấy dị vật trong ổ bụng bệnh nhân đã đâm xuyên hồi tràng. Các bác sĩ phẫu thuật lấy ra chiếc xương cá sắc nhọn dài 3 cm.
Bác sĩ Dương Bá Lập, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân cho biết xương cá, tăm xỉa răng là hai dị vật nhiều người vô tình nuốt phải. "Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng, tạo những ổ nhiễm trùng", bác sĩ Lập nói.
Bác sĩ Lập khuyến cáo khi nuốt phải dị vật cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời, tránh cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho trôi vì có nguy cơ làm tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm. Khi thấy đau khu trú, thường xuyên ở một vị trí trong ổ bụng thì nên đến các bệnh viện để thăm khám. Ngoài ra, tránh thói quen ngậm tăm, nhai xương các loại khi ăn.
Hướng dẫn thủ thuật Heimlich sơ cứu hóc dị vật