Ở Pháp, nơi nào cũng thơ mộng, đó là câu cửa miệng của rất nhiều du khách sau khi đến với xứ sở này. Đâu đó trong con người ở đây, và cả trong những người Việt đã có thời gian ở đây, mỗi bước chân của họ, dù bất cứ đâu cũng in đậm dấu ấn mơ mộng, lãng mạn của nước Pháp. Thế nhưng, trong cái thế giới thơ mộng đó, nơi nào thơ mộng nhất lại là một câu hỏi hóc búa. Xin trả lời thay cho họ: đó là thung lũng sông Loire với các truyền thuyết và câu chuyện cổ tích thần tiên.
Đối với những cậu bé ham thích câu chuyện truyền thuyết và cổ tích xa xưa thì những lâu đài luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Những lâu đài nguy nga, tráng lệ với các nàng công chúa, chàng hoàng tử cùng biết bao những phép màu cũng như lời nguyền ru ngủ bao nhiêu thế hệ tuổi thơ trên trái đất này. Khi lớn lên, những điều kỳ diệu đó tưởng như đã mất đi, khi mà thế giới xô bồ này hiển hiện với sự trần trụi của nó ở cậu bé tám chín tuổi khi ấy, giờ đã là một chàng trai.
Thế rồi, một ngày đẹp trời, giống như bao câu chuyện cổ tích truyền thuyết khác, cậu ta nhận ra những điều huyền diệu đó ngay ở đây, ngay trước mắt mình qua những toà lâu đài tuyệt mỹ của thung lũng sông Loire. Hãy theo dấu chân huyền nhiệm của thời gian, đi theo dấu chân của cậu bé ấy, để thấy rằng nơi nào đó trên thế giới này, vẫn còn có một xứ sở đầy những truyền thuyết và cổ tích xa xăm giống như cô bé Alice trong “Xứ Sở Thần Tiên”.
Hãy đến với lâu đài Amboise, nơi mà chàng hoàng tử Francois Đệ Nhất đã xây dựng nên thời đại Phục Hưng Pháp. Chính nơi này, nhà bác học Leonardo da Vinci gặp vua Francois và làm việc tại Pháp cho đến lúc mất. Đứng giữa phòng đại nghị, ta vẫn còn mường tượng được những buổi lễ uy nghi, hình ảnh vua Francois trầm tư suy nghĩ về kế hoạch phục hưng nước Pháp.
Nơi đây cũng là nơi yên nghỉ của nhà bác học Leonardo de Vinci, bên trong nhà nguyện Thánh Hubert ở góc lâu đài. Lâu đài cũng gắng liền với một truyền thuyết đáng sợ: nơi này từng là nơi hành quyết các tín đồ Tin Lành, khi vua Francois Đệ Nhị giết và treo hơn 1200 tu sĩ Tin Lành lên các móc sắt ngay trên tường thành lâu đài. Người ta kể rằng, trong những đêm trăng, đôi khi còn nghe văng vẳng tiếng vó ngựa lê xích sắt, tiếng gàu thét, tiếng xiên móc sắt của những vị tu sĩ bị giết.
Gần lâu đài Amboise là Lâu đài Clos Luce, nơi Leonardo da Vinci làm việc. Chính tại nơi đây ông đã vẽ nên những bản thảo khoa học lúc cuối đời. Truyền thuyết kể rằng, vua Francois yêu quý ông đến mức đào một đường hầm thông suốt giữa lâu đài Amboise và lâu đài Clos Luce, để vua Francois có thể đến thảo luận với ông bất cứ lúc nào để bàn về những kế hoạch và bản vẽ bí mật.
Đường hầm đó hiện vẫn còn trong lâu đài Clos Luce. Nơi đây còn lưu trữ hàng trăm hiện vật tái hiện lại các bản vẽ thần tác của một trong những nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại Leonardo Da Vinci. Có người lại khẳng định rằng Leonardo đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy tri thức khoa học, và ông đã dùng nơi này để chứa chấp những linh hồn tội lỗi của Satan.
Bước qua những truyền thuyết về lâu đài Amboise và lâu dài Clos Luce, để đến với câu chuyện cổ tích về lâu đài Usse. Lâu đài tráng lệ và cổ kính này theo truyền thuyết là nơi diễn ra một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất “Công Chúa Ngủ Trong Rừng” của Charles Perrault.
Đến nơi đây, bạn sẽ được leo lên toà tháp cao vút, nơi nàng công chúa đã bị cái thoi đâm trúng và ngủ thiếp đi một giấc trăm năm, bằng một cầu thang gỗ hẹp. Đi dọc theo hành lang và tháp canh hun hút, ta vẫn còn mường tượng được cảm giác của chàng hoàng tử năm nào đi tìm nàng công chúa bị mất tích.
Thung lũng sông Loire không chỉ có những câu chuyện cổ tích đáng yêu và thơ mộng, mà còn là nơi ngọn nguồn của những truyền thuyết đáng sợ và ma quái. Lâu đài Công Tước Xứ Bretagne nổi tiếng với truyền thuyết về Gilles de Rais, một sát nhân khát máu huyền thoại và trở thành hình mẫu gắng liền với nhân vật cổ tích “Yêu Râu Xanh” chuyên ăn thịt trẻ em.
Từng là công tước xứ Bretagne, và hỗ trợ thánh Jeanne D’Arc trong cuộc chiến Trăm Năm, nhưng Gilles de Rais lại nổi tiếng về thành tích sát nhân của mình. Ông đã giết chết hơn 200 đứa trẻ để lấy máu nhằm thoả mãn thú vui hung tợn. Nhiều người tin rằng ông dùng nó để luyện thuật giả kim để được trường sinh bất tử. Sau khi bị phát hiện, ông bị nhốt ở lâu đài và bị tra khảo về những mối liên hệ với quỷ dữ. Sau đó, dù đã bị thiêu sống, nhưng với nhiều người, ông vẫn còn ẩn nấp đâu đó trong lâu đài để chờ ngày phục thù.
Bỏ qua câu chuyện cổ tích của lâu đài Công Tước Xứ Bretagne, ta đến với "nữ hoàng của sông Loire", lâu đài Chenonceau. Khi đến lâu dài này, người ta thường kể nhau nghe về chuyện tình lãng mạn của công nương Diane de Poitier, người tình của vua Henry Đệ Nhị và về nữ hoàng Catherine de Medicis. Người ta kể rằng lâu đài này được xây trên tình yêu nồng nàn của vua Henry dành cho người yêu với một cảnh trí đẹp như tranh vẽ, bắc giữa hai bờ sông Loire.
Người ta cũng nhắc đến truyền thuyết về nữ hoàng Catherine de Medicis, về sự cai trị tàn ác và độc đoán của bà đối với tôn giáo, nhất là đợt thảm sát ngày lễ thánh Bathelemy. Người ta kể rằng lâu đài này đầy rẫy những linh hồn chết chóc đầy hận thù trong lần thảm sát đó, ẩn khuất trong những cánh rừng sau lưng lâu đài và bên dòng sông dưới lâu dài, rằng những linh hồn đó sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai dám khinh mạn hay gợi nhớ cho họ về ký ức của cuộc thảm sát.
Giờ hãy đến với lâu đài Azay Le Rideau để nghe câu chuyện về Honoré de Balzac, một nhà văn nổi tiếng của Pháp với đại tác phẩm “Tấn Trò Đời”. Người ta nói rằng ông đã yêu thích lâu đài đến mức đưa nó vào trong tác phẩm của mình như "Le Lys dans la vallée". Azay Le Rideau còn nổi tiếng với các câu chuyện ma quái liên quan đến cuộc chiến giữa hai dòng họ Armagnac và Bourguignon.
Người ta kể rằng vua Charles VII trong cuộc chiến Trăm Năm đã hạ lệnh giết sạch ba trăm năm mươi lính đồn trú ở lâu đài và đốt cháy toàn bộ ngôi làng xung quanh trong cơn thịnh nộ. Đến giờ, những linh hồn chết oan đó vẫn còn ẩn khuất đâu đó trong lâu đài và khu rừng quanh lâu đài. Khi đi quanh lâu đài, xuôi theo những con đường nhỏ luồng lách giữa hàng cây âm u, không ai không cảm nhận được sự u uất và ảm đạm của nơi này.
Lâu đài Chinon lại gợi nhớ đến một thời kỳ nghiệt ngã khác của nước Pháp. Lâu đài ngày nay đã hoang phế và sụp đổ phần lớn như gợi lại truyền thuyết về Chén Thánh và sự sụp đổ của Hội Dòng Đền. Những nhà truy lùng Chén Thánh kể rằng khi giáo chủ của Hội Dòng Đền là Jacques de Molay cùng mười chiến thuyền mang theo tài sản của hội, bao gồm cả Chén Thánh, vượt biển sang Anh, thì bị vua Charles IV và giáo hoàng Clement V nã pháo và bắt được.
Chiến thuyền cùng với Chén Thánh được vận chuyển về Chinon trước khi đến Paris để để xử lý, cũng như hành quyết Jacques de Molay. Tại đây, ông đã bị tra khảo về bí mật chén thánh, nhiều người tin rằng Chén Thánh đã bị mất cắp ngay tại lâu đài Chinon bởi những hiệp sĩ dòng đền và được chôn giấu đâu đó ở dưới chân lâu dài.
Lâu đài Chambord, vua của lâu đài sông Loire với hơn 400 phòng, hơn 500 cầu thang đủ loại là một chương truyền thuyết khác. Người ta nhắc đến nó về cầu thang đôi do Leonardo da Vinci thiết kế, với cấu trúc vô cùng ma quái. Tuy là cầu thang đôi, nhưng người đi sẽ vẫn có cảm giác một cầu thang đơn, và cả hai người đi cùng nhau trên cầu thang đôi này sẽ không bao giờ chạm mặt nhau.
Người ta kể rằng lâu đài được xây với những thiết kế được tính toán kỳ quái, phức tạp dựa trên những con số ma thuật và huyền bí bởi Philibert de l'Orme. Người ta cũng tin rằng lâu đài là sự xâm phạm đến vùng đất của Furfur, thần cai quản rừng dưới dạng một con linh dương, vì lâu dài này thường diễn ra các cuộc săn bắt linh dương quy mô lớn.
Có người quả quyết rằng, khi đi dọc đường rừng, người ta hay bắt gặp những con linh dương có mắt đỏ ngầu, nhìn ra đường đầy căm phẫn và đe doạ, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai tỏ ra bất kính với nó. Lâu đài cũng nổi tiếng là một nơi bị nguyền rủa vì đây từng là nhà thương lớn trong cuộc chiến Pháp - Phổ với số lượng người chết khổng lồ.
Truyền thuyết và câu chuyện về Diane de Poitier gắng liền với lâu dài Chaumont Sur Loire. Lâu đài là một trong số ít còn nguyên vẹn một cách lạ kỳ, cũng là chứng nhân cho sự tranh giành quyền lực ở chốn nội cung của triều đình Pháp thời Phục Hưng giữa Diane de Poitiers và hoàng hậu Catherine de Medicis. Đó là một câu chuyện dài giữa những mưu mô thâm độc và xảo quyệt của những người đàn bà quyền lực mà cuối cùng Diane de Poitier là kẻ thất bại.
Lâu đài mang dáng vẻ yêu kiều của nước Pháp, tinh tế nhưng đơn giản trong đường nét. Nét đẹp Pháp không kiểu cách như Ý, cũng không màu mè như Anh, lại không quá bình dị như Đức. Nhiều người tin rằng Diane de Poitiers đã sống an lành và thánh thiện sau chuỗi ngày tranh chấp quyền lực tại lâu đài Chautmont.
Với hơn trăm lâu đài lớn nhỏ ở thung lũng sông Loire, mỗi lâu đài là một dẫn chứng cho câu chuyện truyền thuyết và cổ tích xa xưa. Không đâu kỳ lạ như ở đây, khi mà những điều huyền diệu đó tồn tại song song với thế giới văn minh và hiện đại.
Tôi chợt nhận ra rằng, ở đâu cũng vậy, người ta khi đối mặt với cuộc sống bộn bề và khắc nghiệt này, vẫn luôn ước mong được ru ngủ trong những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết, nơi có bà tiên hiền hậu, chàng hoàng tử dũng cảm, cô công chúa xinh đẹp và mụ phù thuỷ độc ác. Nơi đó là thung lũng sông Loire.
Ngô Hồ Anh Khôi