Nếu được xác nhận, mức nhiệt hôm 9/7 vừa qua sẽ bằng với kỷ lục tại Thung lũng Chết vào ngày 16/8 năm ngoái và được cho là cao nhất hành tinh kể từ năm 1931. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vẫn đang xem xét các số liệu này.
54,4 độ C chỉ thấp hơn hai mức nhiệt khác từng được đo đạc trên Trái Đất, đó là mức 56,7 độ C ghi nhận tại Thung lũng Chết ngày 10/7/1913 và mức 55 độ C ghi nhận tại Kebili, Tunisia, ngày 7/7/1931.
Tuy nhiên, chuyên gia về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt Christopher Burt đặt nghi vấn về tính xác thực của cả hai trường hợp này. Ông cho rằng kỷ lục năm 1913 không khả thi xét theo quan điểm khí tượng học còn số liệu năm 1931 không đáng tin cậy. Như vậy, nếu được xác thực, 54,4 độ C sẽ là mức nhiệt cao nhất từng được đo đạc một cách chính xác trên Trái Đất.
Thung lũng Chết nằm ở phần phía bắc sa mạc Mojave. Đây là khu vực thấp nhất, khô và nóng nhất tại Mỹ. Furnace Creek, nơi các chuyên gia đo nhiệt độ của Thung lũng Chết, thấp hơn mực nước biển 58 m và nổi tiếng với nắng nóng gay gắt. Tháng 6 vừa qua là tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận ở Thung lũng Chết với mức nhiệt trung bình là 39,4 độ C.
Đợt nắng nóng lịch sử diễn ra ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương cuối tháng 6 khiến hàng trăm người chết. Biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể là một phần nguyên nhân khiến tình trạng nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thu Thảo (Theo Washington Post)