Phó giáo sư Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân B15, Bệnh viện 108, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng chướng, ấn đau khắp ổ bụng, nửa bụng dưới đau nhiều, trái đau hơn phải. Qua theo dõi và thăm khám, các bác sĩ nghĩ tới bệnh nhân bị viêm phúc mạc do bệnh lý thủng ruột.
Kết quả sau mổ cho thấy, bệnh nhân bị vỡ đoạn đại tràng xích ma do sỏi phân. Nguyên nhân có thể do bị táo bón lâu ngày gây biến chứng tắc ruột cấp, dẫn đến thủng đại tràng. Các bác sĩ đã lấy bỏ khối bã, làm hậu môn nhân tạo. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và đang chờ mổ lần 2 để đóng hậu môn nhân tạo.
Theo lời kể của người nhà, trước đó bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, hằng ngày vẫn đi cấy. Tuy nhiên, đến sáng 22/2, cụ đột nhiên kêu đau bụng. Khi đó, gia đình chỉ nghĩ đơn giản là đau bụng như hằng ngày vì cụ bị táo bón, đã 3 ngày không đi đại tiện. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày thì cơn đau trở nên dữ dội hơn, đau lan khắp ổ bụng. Lúc này gia đình vội đưa cụ đi cấp cứu.
Theo phó giáo sư Dương, nhiều người thường chủ quan với bệnh táo bón, không đi khám và điều trị. Đây có thể đơn giản là hậu quả của chế độ ăn uống không khoa học, nhiều đạm, ít chất xơ, ít vận động, lười uống nước, hoặc thói quen nhịn đi cầu... Những trường hợp này có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý thực thể tại đường tiêu hoá như: viêm đại tràng, rối loạn chức năng đại tràng hay bệnh toàn thân nào đó như suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì...
Nhìn chung những bệnh nhân bị táo bón sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống và đôi khi có thể nguy hại đến tính mạng. Biểu hiện của bệnh thường gặp là cảm giác đầy chướng bụng, nặng hơn có thể buồn nôn hoặc nôn khi bị tắc ruột, phó giáo sư Dương cho biết.
Phương Trang