Ngày 3/9, bác sĩ Hồ Tiến Duy, Trưởng khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, thể trạng suy mòn có nhiều nền như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy thượng thận, đái tháo đường. Ông đã sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc liên tục kéo dài.
"Lỗ thủng dạ dày của bệnh nhân kích thước gần 1,5 cm, kíp mổ nội soi phải khâu 5 mũi. Nếu đến bệnh viện trễ, diễn tiến nặng hơn, nguy cơ phải mổ mở để khâu", bác sĩ nói
Một bệnh nhân khác, nam, 78 tuổi, nhập viện do đau bụng dữ dội sau nhiều ngày. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện lỗ thủng gần 4 cm, phải phẫu thuật mở cắt một phần dạ dày bị thủng.
Bác sĩ Duy cho biết, hơn một tháng qua, Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh liên tiếp tiếp nhận các trường hợp thủng ruột, phổ biến là thủng dạ dày và tá tràng. Đa số trường hợp có những đợt viêm loét dạ dày, điều trị qua loa bằng cách tự mua thuốc uống.
Loét mạn tính thường gặp ở những bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau do viêm khớp, lạm dụng chất corticoid (thường có trong những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc) hay bị stress lâu ngày làm dạ dày tăng tiết axit. Số ít trường hợp do nguyên nhân ác tính như khối u thủng hay u di căn xâm lấn. Hầu hết bệnh nhân có những cơn đau dạ dày trước đó, đau âm ỉ hoặc quặn cơn.
Khi thủng ruột, người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội vùng thượng vị, cơn đau như dao đâm, lan khắp bụng, không thể thở bụng kèm cảm giác buồn nôn.
Theo bác sĩ Duy, đây là bệnh lý cần phẫu thuật khẩn. Song, hiện nhiều người sợ đến bệnh viện do lo ngại lây nhiễm Covid, khiến tình trạng nặng hơn. Các bệnh nhân đến viện sớm trong vòng 6-12 tiếng sau khởi phát đau đều được khâu lại lỗ thủng dạ dày thành công, xuất viện 5-7 ngày sau đó.
Bệnh nhân đến viện trễ, dịch tiêu hóa nằm trong ổ bụng lâu sẽ có thêm các triệu chứng như chướng bụng, không trung tiện được, có thể bị sốc nhiễm độc như lơ mơ, tím tái, sốt cao kèm môi khô, lưỡi dơ. Lúc mổ có thể không khâu lại được bằng nội soi và phải mổ mở để khâu, đồng thời sau mổ phải hồi sức tích cực dài ngày, bác sĩ Duy chia sẻ.
Lê Cầm