Dù suốt hơn một giờ được các nhà hoạt động và nhân viên an ninh hỗ trợ để đến tham gia cuộc biểu tình, Thunberg đành lựa chọn rời đi và chỉ góp mặt vào cuối chương trình. Hình ảnh trên TV cho thấy nhà hoạt động 16 tuổi bị bao vây bởi một đám đông lớn gồm giới truyền thông và người ủng hộ. Họ thi thoảng xô đẩy nhau vì muốn tiếp cận và nhìn thấy cô bé khiến Thunberg quyết định rút lui vì "vấn đề an toàn".
"Tôi cảm thấy rất tiếc nếu có ai đó bị thương. Tôi mong được tham gia cuộc biểu tình nhưng đây là vấn đề an toàn và có quá nhiều phóng viên, quá nhiều người tập trung cùng chúng tôi", Thunberg nói trước khi rời đi trên một chiếc ôtô điện.
Thunberg đến thủ đô Madrid, Tây Ban Nha sáng qua để tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP25, sau khi đi tàu xuyên đêm 10 tiếng từ thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. Cô bé có mặt ở Lisbon hôm 3/12 sau ba tuần từ Mỹ vượt Đại Tây Dương đến châu Âu.
Tại nhà ga chính của Madrid, cô bé cũng nhận được sự săn đón của rất đông phóng viên báo chí. Thunberg chia sẻ trên Twitter một cách hài hước rằng mình đã "lẻn vào Madrid thành công" và "không nghĩ rằng có ai nhìn thấy mình". "Dù sao cũng thật tuyệt khi đến Tây Ban Nha!", Thunberg nói thêm.
Chiều cùng ngày, nhà hoạt động môi trường 16 tuổi tới địa điểm diễn ra COP25 và tham gia phát biểu tại hội nghị.
"Chúng ta đang ngày càng lớn mạnh và tiếng nói của chúng ta ngày càng được lắng nghe, nhưng tất nhiên điều đó không dẫn tới hành động chính trị", Thunberg nói. "Chúng ta không muốn tiếp tục như thế này. Chúng ta muốn hành động từ những người đang nắm quyền. Con người đang chịu đựng và chết vì khí hậu, chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa".
Nhà hoạt động người Thuỵ Điển thừa nhận việc kêu gọi học sinh nghỉ học để biểu tình "không phải là giải pháp bền vững". Cô bé hy vọng sự kiện thường niên kéo dài 2 tuần sẽ dẫn tới "hành động cụ thể" và các lãnh đạo thế giới sẽ hiểu được sự cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Sau khi rời hội nghị, Thunberg đã cùng khoảng 40 thiếu niên tổ chức biểu tình ngồi ở bên ngoài để yêu cầu các nhà lãnh đạo có những hành động thực chất chống biến đổi khí hậu. Nắm tay nhau, các thiếu niên cùng hát bài "Sức mạnh của con người" và cầm những biểu ngữ của phong trào "Những ngày thứ sáu vì tương lai" mà Thunberg khởi xướng.
Hội nghị COP25 ở Madrid do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tổ chức, thu hút 25.000 đại diện từ khoảng 200 quốc gia đã ký kết hiệp định biến đổi khí hậu Paris 2015 tham dự. Đây là cuộc họp cuối cùng của COP trước năm 2020, thời điểm mà hiệp định đi vào hiệu lực.
Những ưu tiên hàng đầu của COP25 là thành lập một khung thời gian chung cho các quốc gia thực hiện các cam kết về khí hậu của mình và giải quyết vấn đề về thị trường carbon quốc tế, lĩnh vực duy nhất trong hiệp định khí hậu Paris mà các đại biểu chưa đạt được đồng thuận tại COP24 năm ngoái ở Ba Lan.
Anh Ngọc (Theo AP)