Chị tôi gõ cửa phòng bố mẹ: "Ông bà ơi, thử ra ban công xem, hay là trộm cắp giả danh?". Ông trùm cái áo khoác, ra ban công ngó xuống: "Anh tên là gì? làm việc cho ai? sao anh biết địa chỉ này? trao quà cho hai cháu nào? cháu tên gì, quà là đồ chơi gì?". Rồi ông chạy vào: "Con ơi, hình như không phải lừa đảo, ông già này khai báo đúng thông tin về món quà, tên hai cháu, trường học và tên cha mẹ, địa chỉ nhà mình nữa". Anh chị và ông bà ra cổng, hỏi han thật kỹ lần nữa rồi mới mở khóa.
Đúng rồi, không phải kẻ trộm. Ông già Noel này là thanh niên mặc bộ ông Santa màu đỏ trắng đến để trao đồ chơi tôi đã đặt dịch vụ của cửa hàng trên đường Láng Hạ.
Tôi mua dịch vụ ông già Noel trước Giáng sinh một tuần. Được báo tối 24 ông Noel sẽ tới, Cún và Bim ăn rất ngoan, mặc quần áo chỉnh tề háo hức chờ. Nhưng 8 giờ, 9 giờ, 10 giờ tối, cứ gọi điện thì ông bảo "sắp tới rồi". Gần 11 giờ đêm, lũ trẻ ngủ thiếp đi trên sofa.
Hôm sau đã là ngày Giáng sinh, vẫn chưa thấy ông Noel. Thêm hàng chục cú điện thoại cửa hàng mới trả lời, quà của các cháu bị thất lạc, họ sẽ đền món khác và dặn gia đình cứ yên tâm. Tối 25, Cún và Bim lại hân hoan ngồi đợi.
Lại hàng chục cuộc điện thoại và đợi, ông Noel có bắt máy nhưng luôn trả lời gấp gáp "gần đến nơi rồi chị ạ". Hơn 11 giờ đêm, cả nhà lại tiu nghỉu đi ngủ.
Gần 12 giờ đêm vang lên tiếng chuông cửa. Ông già Noel đến "đền" món quà. Chị tôi rối rít xuống mở cổng, ông bà vội vàng đánh thức hai đứa nhỏ. Ông già Noel đây rồi, chòm râu trắng bên cao bên thấp, nét mặt đầy căng thẳng, mỏi mệt. Trao vội quà và chúc mừng qua loa hai cháu đang ngáp ngắn ngáp dài, khuyến mại cho mỗi đứa vuốt râu một cái rồi ông leo vội lên xe máy rồ ga, mặc lũ trẻ xị mặt vì còn muốn chụp ảnh. Thôi, cũng xong lời hứa với bọn trẻ, cả nhà lục đục đi ngủ tiếp.
Nhưng đến hai giờ sáng, ông Noel thực sự làm thất lạc món quà lại tìm đến. "Cả đợt Noel chỉ được mấy triệu để đóng học cho con, cháu bị cửa hàng phạt tiền quà và trừ lương rồi, bây giờ cháu mới hết việc nên tìm đến đây để trao lại quà cho hai bé, sợ chúng buồn", anh nói.
Từ năm đó, tôi không đặt dịch vụ Santa đến nhà nữa. Bọn trẻ nhà tôi cũng mau chóng biết tỏng ông già Noel là diễn viên đóng thế.
Hơn 10 năm qua, người đóng giả ông già Noel năm đó không biết tôi vô tình thấy anh qua mạng xã hội. Anh đã chuyển qua nhiều nghề, giao hàng, lái xe thuê, buôn bán hoa Tết và nay có một cửa hàng rửa xe nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Anh chia sẻ, nhờ làm nhiều nghề để mưu sinh, đã gặp rất nhiều kiểu người nên anh hiểu ra, cách sống hay nhất trên đời này là nghĩ cho người khác. "Có lần bị người ta lợi dụng, em cũng bỏ qua, chắc họ thiếu lắm thì mới phải làm thế với mình", anh bảo, "đấy, mấu chốt là phải thật, mình được cái thanh thản, chị ạ".
Năm nay, tôi đã rời Hà Nội trong khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời, mẹ con tôi đến sống tại một ngôi làng nhỏ phía Bắc Đông Nam Á.
Đêm đầu tiên của mùa đông này, tôi không thể ngủ vì quá lạnh. Nhiệt độ miền núi đã xuống hơn 10 độ so với giữa trưa. Có tiếng gọi cửa khi hàng xóm đã tắt hết đèn, những người trong làng đem chăn ấm, mũ, áo rét, tất, khăn... đến nhà. "Bạn đã có đồ ấm chưa?", họ hỏi bằng tiếng Thái, tôi trả lời bằng tiếng Việt, "một cái chăn có đủ không, bạn có cần thêm một cái nữa không? Mai tôi sẽ giặt một cái khác đem cho bạn". Cuối cùng thì tôi phải đắp tới ba cái chăn chồng lên nhau mới hết hắt xì.
Tại đây, cộng đồng hơn 1.000 dân ở góc hẻo lánh của châu Á, tôi gặp những tỷ phú và những người rất nghèo. Có những gia đình cả năm không có thu nhập và cũng không có tiền trong nhà. Nhiều người sống trong những lều lợp lá hay cỏ tranh, vài mét vuông, đủ kê một tấm phản gỗ hay tre để mắc màn ngủ. Cả xóm dùng chung nhà tắm công cộng. Nhưng tôi thấy trên mặt họ luôn có nụ cười. Họ tự trồng rau, đem tặng cho cộng đồng. Người khác cho họ lại thức ăn, hay đồ dùng. Ai có cái gì thì cho đi cái đó: bát đĩa, giầy dép, thức ăn, rau, xe đạp, quần áo, chăn màn... cứ trao đi đổi lại lẫn nhau. Tiền trở thành phương tiện thứ cấp.
Giàu có là một cảm giác nội tâm. Ông Đi, một người trong ngôi làng tôi sống, nhiều năm không có tiền. Ông có một cái chòi trong khu vườn tự khai hoang. Trong chòi kê đủ một chiếc giường và màn chống muỗi, hàng hiên để nấu bếp củi và ngồi ăn. Hàng ngày, ông chìm trong khu vườn từ mặt trời lên tới lúc mặt trời lặn. Rau quả thu về, ông cung cấp miễn phí cho cộng đồng. Mọi người tặng lại ông gạo, thức ăn, vật dụng cơ bản.
Có những người tự ý vào khu vườn chọn những thứ ngon nhất đem về. Ông bảo, mình trồng mà có người ăn là mừng rồi. Nếu người không kịp ăn thì để cho chúng sinh ăn. Người khác tặng cái gì, ông đem đi chia lại. Tôi bảo sao ông không giữ lại phòng khi cần. Ông bảo ông thấy đủ rồi nên không cần thêm nữa. Cố giữ cái gì mà bản thân không cần đến cũng là bất thiện trong khi người khác đang cần.
Tôi rất xấu hổ khi nghĩ lại, hồi xưa mình đã lấy của công ty cái bút, cái phong bì có tên cơ quan mang về nhà. Thấy ai có cái gì đẹp cũng muốn có, chỉ để thỏa mãn cơn thiếu, dù có khi không dùng. Có tỷ phú bảo với tôi: "Tớ chả thiếu tiền, nhưng còn vài dự án phải làm nốt, giao cho người khác tớ sợ mất uy tín". Nhiều tiền bạc, danh tiếng, nhưng họ luôn có điều trái ý trái lòng, không đủ bình an. Cái vững chãi bên trong không đến từ việc mình rất hay, rất giỏi, mà đến từ sự thừa nhận rằng mình rất kém.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, có tiều phu rất nghèo. Một đêm gần cuối năm, ông gặp một đứa trẻ lạc và lả đi vì đói. Ông mang về nhà, sưởi ấm, cho ăn uống. Sớm mai không thấy đứa trẻ đâu, ông mở cửa thì thấy một cây thông tuyệt đẹp đặt trước nhà. Có thể đứa trẻ đã tỉnh dậy, đi tìm một cây thông đẹp tặng ông làm quà, hoặc Chúa cải trang và tạo ra cái cây để thưởng cho lòng nhân đức.
Từ "ông già Noel" năm xưa đến những hàng xóm mới hôm nay, họ giúp tôi nhận ra, dù làm bất cứ việc gì, ở đâu, sức mạnh của mỗi người và mỗi cộng đồng là ở động cơ sâu thẳm vì người. Nguyên lý sống kiểu mới đơn giản chỉ thế này: Càng nghĩ đến cái chung thì cái riêng tự biến mất. Càng nghĩ đến cái rộng lớn thì cái nhỏ hẹp sẽ tự tan rã.
Tất cả chúng ta đều có thể trở thành ông già Noel, tự trao phép màu cho chính mình và người khác, bằng cách ngay lúc này, mở lòng trao đi ý, lời và hành động để cho người khác sự nhẹ, sự vui, sống với sở hữu vừa đủ. Những gì làm vì người khác sẽ quay lại cuộc đời bạn vào lúc không ngờ nhất. Nghĩ cho người chính là phép màu để hết khổ, hết nghèo.
Hồng Phúc