Bộ Tài chính vừa công bố những nội dung cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực tài chính. Theo đó, các nước TPP cam kết mở cửa khá cao dành cho Việt Nam. Xét trên mặt bằng chung, 78-95% dòng thuế nhập khẩu được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một vài hàng hóa nhạy cảm sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.
Bộ Tài chính cho biết, nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Ngược lại, thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép, một số loại linh kiện phụ tùng ôtô, phôi thép, săm lốp… sẽ bỏ thuế nhập khẩu sau khi TPP có hiệu lực 10-11 năm.
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4 gồm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử…
Trong khi đó, bộ phận linh kiện xe đạp xe máy, một số linh kiện ô tô, bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng… có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 8.
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi TPP có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Trong lĩnh vực hải quan, Hiệp định TPP đưa ra các quy định về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như quy định về thủ tục đối với hàng chuyển phát nhanh, quy định về xác định trước, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định cụ thể về thời gian thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, FTA này cũng quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Về dịch vụ tài chính, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Hiện nay các thành viên TPP đang hoàn tất các công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho ký kết chính thức dự kiến vào đầu năm 2016.
Hiệp định TPP gồm 30 chương, thiết lập các quy tắc thương mại trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng, hợp tác, giải quyết tranh chấp…
TPP với sự tham gia của 12 quốc gia, gồm Australia, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia, Canada, Chile, Mexico, Mỹ, Peru, Nhật Bản và Việt Nam. TPP tạo thành một khu vực thương mại tự do có dân số trên 800 triệu người, chiếm 40% GDP và trên 30% thương mại toàn cầu.
Thanh Thanh Lan