Kết thúc công việc, họ ngồi trò chuyện, cùng thưởng thức tách trà nóng. Dựa vào cách cả hai nói chuyện, người ngoài dễ nhận thấy mối quan hệ của họ thân thiết hơn mức quản lý và nhân viên.
Khi Yao mở quán trà vào tháng 5/2022, nhân viên duy nhất cô thuê được là mẹ.
Ngoài đi làm, Gen Z (sinh năm 1997-2012) Trung Quốc thích kinh doanh riêng. Không ít người thuê bố mẹ làm nhân viên và trở thành ông bà chủ trẻ trong gia đình.
"Tôi sẽ tăng lương cho mẹ khi cửa hàng phát triển tốt hơn", Yao nói.
Mẹ của Yao từng điều hành một quán trà ở thành phố Ngọc Khuê, tỉnh Vân Nam. Con gái bà lại không thích những quán trà truyền thống đầy khói thuốc, khách hàng ngoài 40 tuổi, thường mua về hơn ngồi tại chỗ. "Điều này đã lỗi thời", Yao nhận xét. Cô gái 27 tuổi muốn một quán trà yên tĩnh, có thể phục vụ thêm cà phê và dành riêng cho người trẻ.
Tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Guan Yishu, 25 tuổi, tiếp quản xưởng thiết kế quần áo suýt bị đóng cửa do thua lỗ của gia đình.
Cha mẹ của Guan đều là thợ may lành nghề. Đặc biệt là mẹ cô, người thành thạo kỹ năng thêu truyền thống đòi hỏi tay nghề cao. Xưởng may của gia đình Guan hoạt động hơn 20 năm, nhưng nay công việc xuống dốc bởi các thiết kế đã lỗi mốt.
So với thế hệ trước, người trẻ Trung Quốc dễ tìm kiếm thông tin trên Internet và nhạy cảm với những thay đổi trên thị trường.
Yao quyết định mở quán trà mang phong cách Nhật Bản pha trộn với Trung Quốc, khi thuyết phục mẹ đóng cửa tiệm và đến làm việc cho mình. Quán trà của cô tập trung vào trải nghiệm đồ uống hơn bán sản phẩm đóng gói. Khách đến quán có thể thưởng thức một bình trà 35 tệ cho hai người (121.000 đồng).
Hiện, 90% khách hàng của Yao dưới 30 tuổi. "Một số người viết thư động viên. Phản hồi tốt từ khách hàng khiến tôi tin tưởng đã đi đúng hướng", cô nói.

Yao Qin (trái) và mẹ uống trà tại quán trà của gia đình. Ảnh: Globaltimes
Guan cũng vực dậy xưởng may của gia đình khi tung ra bộ sưu tập mới, dưới sự hỗ trợ của bố mẹ. Các chi tiết thêu hoa mẫu đơn, cá koi lồng ghép trên áo khoác, quần jean hay mũ bucket nhận sự phản hồi tích cực của khách hàng trẻ.
Ngoài bán trực tiếp, Guan cũng quảng bá sản phẩm qua livestream để tiếp cận khách nước ngoài. "Tôi từng nhận đề nghị hợp tác từ một thương hiệu văn hóa đại chúng nổi tiếng. Những thay đổi mới có thể giúp gia đình tôi thoát khỏi phá sản", Guan nói.
Cô cũng mua tặng bố mẹ căn nhà vườn trị giá 350.000 tệ, khi công việc kinh doanh phát đạt.
Làm thuê cho con cái cũng có thể đánh thức khả năng tiềm ẩn của nhiều bậc phụ huynh. Jun Xiuming, quản lý một quầy bán sữa ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã thuê mẹ làm nhân viên. "Mẹ tôi làm nội trợ hàng chục năm. Bà chưa từng đi làm cho đến khi tôi thuê. Tôi từng nghĩ mẹ không thể đảm đương nhiều việc, đặc biệt là quản lý doanh thu", Jun nói.
Nhưng khả năng quản lý cửa hàng, sự am hiểu về sản phẩm cùng thái độ cư xử hòa nhã với khách khiến Jun bất ngờ. "Thế mạnh của mẹ tôi suýt bị chôn vùi. Cách mẹ điều hành hoạt động không nhân viên trẻ nào có thể sánh kịp", cô chia sẻ.
Minh Phương (Theo Globaltimes)