Bạn thức dậy sau một giấc mơ, thấy mình đang ở trong một ký túc xá xa lạ. Căn phòng không có gì ngoài bốn chiếc giường sắt. Cửa sổ duy nhất bị che kín. Trên tường, một tấm bảng ghi chi tiết lịch trình hàng ngày. Mọi người phải thức dậy lúc 5h30 và đi ngủ lúc 21h30. Ngoài ăn uống và vệ sinh cá nhân, cả ngày họ trải qua ba hoạt động: phục hồi chức năng, huấn luyện quân sự và đánh giá tâm lý.
Sau đó, bạn phát hiện một cuốn nhật ký trên bàn trong đó cho biết, bố mẹ đã gửi bạn đến đây vào ngày 30/8. Họ nói bạn cần gặp bác sĩ tâm lý và hứa sẽ đón về nhà sau khi được tư vấn. Nhưng thực tế, bạn bị nhốt ở đây vô thời hạn.
Đây là những cảnh mở đầu của "Diagnosia", một bộ phim thực tế ảo đã đoạt giải thưởng của Zhang Mengtai và Lemon Guo, bóc trần thực tế bên trong một trung tâm cai nghiện Internet ở Trung Quốc.
Các nhà làm phim đã phơi bày những gì diễn ra trong các cơ sở này, nơi hàng nghìn thanh niên bị giam giữ và bị ép buộc phải uống thuốc, huấn luyện quân sự, một số thậm chí bị dùng cả liệu pháp sốc điện để chữa "nghiện Internet".
Zhang Mengtai bị tống vào trại năm 17 tuổi và bộ phim chủ yếu dựa trên trải nghiệm của anh. Chỉ ở đó một tháng, nhưng mọi thứ vẫn ám ảnh anh hơn một thập niên sau đó.
"Bằng cách làm bộ phim này, tôi muốn xoa dịu những tổn thương trong quá khứ. Tôi muốn lên tiếng cho chính mình, vì đã không thể chống trả vào thời điểm đó. Và muốn đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại phải trải qua điều này", anh nói.
Các trung tâm cai nghiện Internet lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc cách đây 20 năm. Năm 2002, bốn trẻ vị thành niên đã thiêu rụi một quán Internet ở Bắc Kinh sau khi bị từ chối vào chơi, khiến 25 người thiệt mạng. Vụ việc gây chấn động toàn quốc, đồng thời dấy lên sự hoang mang về tính nguy hiểm của Internet. Những thanh thiếu niên được cho nghiện Internet là những kẻ lười biếng vô hại và được miêu tả là có khả năng gây nguy hiểm.
Giữa lúc đó, một chuyên gia tự xưng tên là Tao Hongkai đã thu hút sự chú ý khi tuyên bố đã phát triển một phương pháp điều trị chứng "nghiện Internet". Ông mở trung tâm cai nghiện đầu tiên ở Trung Quốc, thu hút hàng nghìn người. Đến năm 2009, đã có hơn 300 trung tâm hoạt động trên khắp Trung Quốc.
Nhưng các cơ sở này nhanh chóng trở nên tai tiếng vì cách đối xử thô bạo với bệnh nhân trẻ. Năm 2009, đài truyền hình quốc gia CCTV đã đưa ra một báo cáo chi tiết về việc một trung tâm sử dụng liệu pháp sốc điện để chữa bệnh.
Cơ sở mà Zhang được gửi đến không dùng liệu pháp sốc điện. Nhưng Zhang và những bệnh nhân khác buộc phải uống thuốc điều trị tâm thần hai lần một ngày. "Tôi không biết loại thuốc đó là gì, nhưng mọi người đồn nó làm giảm chức năng tình dục. Tôi cảm thấy như mình đang bị cưỡng đoạt", anh nói.
Trong quá trình huấn luyện quân sự, Zhang bị đánh bất cứ khi nào tỏ ra chống đối. Nhiều lần, anh bị nhốt trong phòng tối một mình nhiều ngày. Nhưng Zhang nói điều đáng sợ nhất ở đây không phải là bạo lực, mà là sự thiếu kiểm soát". "Tôi không biết khi nào mình có thể ra ngoài, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay tại sao lại xảy ra việc giam cầm bất hợp pháp. Và không ai ngăn cản nó", anh nói.
Zhang đã được thả khỏi trung tâm vào cuối năm 2007, sau khi Trung Quốc xuất hiện các ý kiến phản đối các trung tâm cai nghiện Internet. Năm 2009, CCTV đã công bố phóng sự, sau đó vài tháng xảy ra vụ một cậu bé 16 tuổi bị một quản giáo đánh chết.
"Từ năm 2009, tôi không chỉ muốn quên đi toàn bộ chuyện. Tôi có cảm giác như mọi người đều muốn quên đi vết nhơ này càng sớm càng tốt", Zhang nói.
Chàng trai đã cố gắng tiếp tục cuộc sống của mình, lần lượt lấy được bằng về mỹ thuật và nghệ thuật âm nhạc ở Đại học Goldsmiths, Anh, và Đại học Columbia, Mỹ. Trong suốt 10 năm, anh hầu như không nghĩ về ký ức tồi tệ đó, cho đến một ngày anh thấy một bản tin về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận "rối loạn chơi game" là một tình trạng bệnh lý.
Zhang quyết định kiểm tra xem trung tâm cai nghiện nơi mình từng bị giam giữ có còn ở đó không. Hóa ra nó vẫn hoạt động dưới một cái tên và địa chỉ khác. Đáng lo ngại nhất, nghiên cứu được thực hiện bên trong các trung tâm này đã được quốc tế công nhận. Giám đốc trại của Zhang, Tao Ran, đã xuất bản một bài báo dựa trên việc điều trị bệnh nhân ở trung tâm mình, trong đó ông đề xuất một bộ tiêu chuẩn chẩn đoán chứng rối loạn chơi game.
Báo cáo của Tao đã được trích dẫn trong hơn 100 bài báo học thuật và năm 2013 thậm chí được đề xuất đưa vào ấn bản thứ 5 của Sổ tay thống kê và Chẩn đoán rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ. "Trong con mắt của thế giới phương Tây, nghiên cứu của Tao dường như có một nền tảng vững chắc, nhưng rõ ràng ông ta đã không tiến hành nghiên cứu một cách khoa học", Zhang nói.
Anh phản đối vì ba điểm. Đầu tiên, nó phi đạo đức. "Họ không nói với chúng tôi sẽ được sử dụng trong các thí nghiệm. Nhiều người đã bị lừa đến đây, bố mẹ thậm chí đã dùng thuốc ngủ để đưa chúng tôi vào", Zhang nói.
Thứ hai, bệnh nhân tại trung tâm này thường không phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán mà Tao đề xuất sau này. Theo báo cáo của Tao, một thiếu niên có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn chơi game nếu họ chơi hơn 6 giờ mỗi ngày trong hơn ba tháng. Zhang không phù hợp với tiêu chuẩn này, nhưng trung tâm ngay lập tức biến anh thành bệnh nhân và từ chối thả cho đến khi được "chữa khỏi".
Zhang cho rằng sự tự do của mình đã bị tước đoạt đơn giản vì nó nằm trong lợi ích của cả trung tâm và cha mẹ anh. Các trung tâm kinh doanh vì lợi nhuận: Trung tâm của Tao thu phí bệnh nhân hơn 10.000 tệ mỗi tháng vào năm 2007 (khoảng 34 triệu đồng).
Thứ ba, trung tâm dường như không biết liệu phương pháp điều trị của họ có hiệu quả hay không. "Nhiều người bị đưa vào đây không phải vì họ gặp vấn đề về chơi game. Họ đã thoát ra cũng không phải vì đã được 'chữa khỏi'. Tất cả chúng tôi chỉ đang biểu diễn. Cái gọi là thí nghiệm khoa học của Tao giống như một cuộc nghiên cứu được thực hiện với một nhóm diễn viên", anh nói.
Vào trong trại, Zhang nhanh chóng nhận ra rằng cơ hội tốt nhất để lấy lại tự do của mình nằm ở việc giả vờ hợp tác với các bác sĩ tâm thần.
Bộ phim "Diagnosia" đã và đang tạo nên làn sóng mạnh mẽ. Nó đã nhận được đề cử cho các giải thưởng tại một số liên hoan quốc tế, bao gồm Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế Amsterdam (IDFA) và Liên hoan Phim Sundance. Nó cũng đoạt giải Tác phẩm Trung Quốc xuất sắc nhất tại Liên hoan Sandbox Immersive.
Zhang hy vọng chuyện này có thể giúp chống lại lầm tưởng rằng các trung tâm cai nghiện Internet là cần thiết để chống lại tai họa của chứng rối loạn chơi game. Theo anh, các nhà chức trách Trung Quốc nên dành ít thời gian hơn để lo lắng về "thuốc phiện tinh thần" mà suy nghĩ về lý do tại sao trò chơi điện tử lại phổ biến như vậy.
"Chơi game trực tuyến là cách duy nhất để những người trẻ tuổi giao lưu với xã hội. Ở quê tôi không có không gian công cộng nào cho người trẻ. Các bạn cùng lớp tôi sống ở các khu vực khác nhau của thành phố và tất cả chúng tôi đều có nhiều lớp học ngoại khóa. Các trò chơi lấp đầy khoảng trống tâm hồn chúng tôi", Zhang nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)