"Tôi sợ bị buộc phải về nước nếu lộ việc mang thai, do đó không thể hỏi ý kiến bất kỳ ai", nữ thực tập sinh Việt Nam nói trong buổi họp báo tại thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto hôm 24/4.
Sau khi tới Nhật, cô làm việc trong một nông trại trồng quýt ở Ashikita, tỉnh Kumamoto và sinh hai bé trai tại nhà riêng hôm 15/11/2020. Vài ngày sau, cô bị bắt vì cáo buộc bỏ xác con trong hộp các tông để trong phòng. Văn phòng công tố quận Kumamoto truy tố nữ thực tập sinh vào tháng 12 cùng năm vì tội vứt bỏ thi thể trái phép. Cô được tại ngoại hồi đầu năm.
Theo bị đơn, cô phải vay nợ 14.000 USD khi tới Nhật năm 2018, bao gồm chi phí đi lại và dịch vụ. Với thu nhập 1.400 USD mỗi tháng khi làm việc trong trang trại, cô phải dành 1.100 - 1.200 USD để trả nợ và gửi về cho gia đình.
Luật lao động Nhật Bản quy định thực tập sinh kỹ năng được bảo vệ theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, cho phép nghỉ làm việc 6 tuần trước và 8 tuần sau khi sinh con. Luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng Nam và Nữ cũng cấm sa thải người lao động vì lý do mang thai hoặc sinh con, áp dụng với cả thực tập sinh.
Nhưng theo nhóm pháp lý của bị cáo, tổ chức đưa nữ thực tập sinh từ Việt Nam sang Nhật đã không thông báo cho cô biết luật này, thậm chí còn cấm cô mang thai.
Bởi thế, bị cáo sợ không thể tiếp tục làm việc để gửi tiền về quê nếu bị phát hiện mang thai và sinh con. Người phụ nữ tiếp tục làm việc dù thấy đau bụng và sinh đôi tại nhà. Hai bé là thai chết lưu 8-9 tháng tuổi. Cô đặt tên cho con, để con vào hộp lót khăn, phủ khăn lên, để trên giá trong phòng.
Bên ngoài hộp viết chữ tiếng Việt "Hãy an nghỉ". Nữ thực tập sinh cho hay cô định chôn con theo nghi lễ truyền thống của người Việt, chứ không định vứt xác.
"Nếu hai đứa trẻ con sống, tôi sẽ đưa con về Việt Nam nuôi nấng", cô nói.
Shinichiro Nakajima, người đứng đầu Kumusutaka, Hiệp hội Sống cùng người di cư, một tổ chưc sphi chính phủ tại Kumamoto chuyên hỗ trợ người nước ngoài sống tại Nhật Bản và đang hỗ trợ bị cáo, cho hay: "Chúng tôi biết có quy định ngầm rằng nữ thực tập sinh không thể mang thai và sinh con". Nakajima đề nghị chính phủ cải thiện hệ thống và phương thức vận hành Chương trình thực tập sinh.
Hồng Hạnh (Theo Mainichi)