Chị Quỳnh Anh, quận 5, TP HCM đặt thịt heo, nấm, rau củ... lúc 15h trên Lazada. Chỉ gần hai tiếng sau, hàng đã được giao đến tận nhà, đóng gói kỹ lưỡng. Rau tươi xanh, thịt heo là loại thịt mát đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, một số món chế biến sẵn như chân gà sả tắc có thể dùng ngay. Chị Quỳnh Anh chia sẻ, chị rất bất ngờ vì sự tiện lợi của dịch vụ này.
"Tôi chưa từng mua thực phẩm tươi sống trên mạng, nay dùng thử mới thấy rất tiện lợi. Tôi thậm chí không có cảm giác chờ đợi. Vừa đặt xong, quay sang làm vài việc trong nhà thì hàng đã giao đến cửa", chị nói.
"Đi chợ online" đang là xu hướng mới trong thương mại điện tử, giữa lúc cả nước đang thực hiện cách ly xã hội. Đây được xem là hình thức mua sắm an toàn, thuận tiện giúp người dùng đảm bảo nhu cầu mua sắm, đồng thời hạn chế ra ngoài, giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh.
Hình thức "đi chợ" thuận tiện, an toàn
Xu hướng mở rộng ngành hàng thực phẩm tươi sống trên sàn thương mại điện tử xuất hiện kịp thời giữa lúc người tiêu dùng thực hiện cách ly xã hội. Sự thuận tiện còn được tăng cường khi những đơn vị tiềm lực mạnh, uy tín, cam kết giao hàng nhanh 2-4h. Chẳng hạn với gian hàng tươi sống trên Lazada, đơn vị này cam kết giao hàng trong hai giờ, nhằm đảm bảo độ tươi ngon và dinh dưỡng của thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
"Thông qua việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tận dụng tối đa nguồn lực logistics của mình, chúng tôi có thể mang những thực phẩm tươi, sạch như trái cây, rau củ, thịt cá đến tận nhà cho khách hàng nhanh chóng trong hai giờ để đảm bảo mọi người có thể an tâm mua sắm ở nhà", ông James Dong - Tổng giám đốc sàn thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á nói.

Lazada có thể giao thực phẩm tươi sống trong hai giờ nhờ vào việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tận dụng tối đa nguồn lực logistics của mình.
Giai đoạn đầu, sàn này cung cấp gần 200 mặt hàng thực phẩm tươi sống. Trong đó có MEATDeli, Mega Việt Phát chuyên kinh doanh thịt sạch, thịt nhập khẩu, Foodmap, Hiệp Nông cung cấp mặt hàng rau củ tươi, nông sản Việt, còn Lothamilk với mặt hàng sữa thanh, tiệt trùng... Chương trình đang triển khai tại TP HCM và sẽ tiếp tục mở rộng đến Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trong thời gian tới.
Ông Mai Thành Thái - Đồng sáng lập Công ty Foodmap khẳng định, hợp tác với Lazada tạo cơ hội cơ hội doanh nghiệp cung cấp rau củ, trái cây tươi ngon, giàu dinh dưỡng đến tận nhà người tiêu dùng.
"Thông qua dịch vụ của Lazada, nông sản của Foodmap có thể đến với ngày càng nhiều người tiêu dùng hơn nữa, góp phần giúp mọi người nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh", ông Mai Thành Thái nói.
Kích cầu tiêu dùng trực tuyến
Chiến lược mở rộng ngành hàng của Lazada góp phần đáng kể vào việc kích cầu tiêu dùng trực tuyến. Không chỉ triển khai các giải pháp tối ưu sự thuận tiện, an toàn cho người tiêu dùng, sàn này còn hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác tăng cường chuyển đổi số và kinh doanh thành công trên nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng ưu tiên hỗ trợ của sàn này.
Cụ thể, Lazada dự kiến hỗ trợ 45.000 doanh nghiệp nhanh chóng khởi tạo, trang trí gian hàng trực tuyến và đăng tải thông tin hàng hóa trên nền tảng này, qua đó, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn thu, bù đắp sụt giảm doanh số từ kinh doanh truyền thống.
Những nhà bán hàng mới, chưa có kinh nghiệm kinh doanh trên sàn, sẽ nhận hỗ trợ chi tiết và miễn phí, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Lazada. Ngoài ra, đối tác có thể tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tiếp thị của để tăng lượng truy cập như chiến dịch khuyến mãi nhanh (Flash Sale), chuỗi livestream...

Tham gia bán hàng trên Lazada, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo và cập nhật những xu hướng kinh doanh hiệu quả trên thương mại điện tử. Ảnh chụp một buổi đào tạo của Học viện Lazada.
Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho rằng, sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế. Tuy nhiên, những tác động từ Covid-19 lại đang gây nên áp lực và thiệt hại nặng đối với nhóm doanh nghiệp này. Do đó gói kích cầu kinh tế mà đơn vị này triển khai nhằm chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt, tăng cơ hội kinh doanh thành công trên nền tảng số.
"Bảo vệ cộng đồng, duy trì việc làm và hỗ trợ củng cố nền kinh tế Việt Nam là tất cả ưu tiên hàng đầu của Lazada trong thời điểm hiện nay", ông James Dong nhấn mạnh.
Dự kiến trong thời gian tới sẽ có hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa vả nhỏ gia nhập nền tảng này. Đặc biệt trong ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tất cả đều có giấy phép chứng nhận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như GlobalGAP, VietGAP...
Ngoài ra đơn vị này còn chủ động phối hợp cùng các nhà cung cấp để đóng gói, bảo quản hàng hóa đúng quy cách, giao hàng nhanh trong hai tiếng để đảm bảo tối đa chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm.
Như vậy với xu hướng mới, người dùng có thể ngồi tại nhà, "đi chợ" online và mua mọi mặt hàng cần thiết, từ nhu yếu phẩm, đồ dùng, thiết bị chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa, đến các loại thực phẩm tươi sống đa dạng như thịt, cá, rau củ quả... Từ góc độ người bán, chính sách hỗ trợ của các nền tảng thương mại điện tử như Lazada còn giúp doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh chóng, gia tăng doanh thu và đến gần hơn với người tiêu dùng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Nam Anh