Sáng 7/12, tại Hội nghị triển khai kế hoạch cung ứng hàng Tết 2016 và Phát triển chuỗi cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm ở TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, nhu cầu về thực phẩm sạch an toàn, ngày càng gia tăng, trong khi đó, việc phát triển nguồn cung cũng như định hướng mua sắm cho người tiêu dùng trong thời gian qua còn nhỏ lẻ và manh mún.
Do vậy, để đảm bảo nguồn hàng tốt cho sức khỏe và an toàn, nhất là dịp Tết, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan đẩy mạnh kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn Vietgap, Global GAP gắn logo ra thị trường.
Theo đó, sẽ có 5 đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, bao gồm: Vissan, Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn, Hợp tác xã Anh Đào, Saigon Co.op và Satra.
“Bên cạnh đó, đầu năm 2016 chúng tôi bắt đầu xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành và đầu mối Hoc Môn. Dần dần đưa sản phẩm an toàn vào chợ truyền thống nhiều hơn bằng việc kết nối giữa các đơn vị cung ứng và tiểu thương; xây dựng các gian hàng điểm, xây dựng thương hiệu chợ và thương nhân tại các chợ truyền thống”, ông Hoà nói và cho biết thêm, toàn bộ các sản phẩm an toàn này sẽ truy xuất được nguồn gốc 2 chiều, đồng thời, giá cả sẽ hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng. Thời gian tới, Sở Công Thương khuyến khích các cơ sở nhỏ lẻ, các doanh nghiệp địa phương đăng ký cung cấp sản phẩm an toàn. Từ đó, Sở sẽ hỗ trợ kết nối để đảm bảo đầu ra và kiểm tra chất lượng hàng thường xuyên.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thực phẩm an toàn trong Tết năm nay, thì số lượng mặt hàng khá dồi dào. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian nghỉ lễ, Tết năm nay kéo dài hơn so với mọi năm nên lượng hàng dự trữ sẽ tăng 40% so với cùng kỳ. Trung bình hàng hóa về 3 chợ đầu mối 8.000 tấn một ngày, vào cận Tết lượng hàng sẽ tăng thêm 80% so với ngày thường và lên 14.000-15.000 tấn một ngày.
Giá cả hàng hóa Tết năm nay sẽ được giữ ổn định. Song song đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp khuyến mãi, giảm giá bán trong những ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, gà, trứng gia cầm, rau củ quả… Riêng các hệ thống kênh phân phối siêu thị sẽ giảm giá 5-49% cho hàng nghìn mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt…
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho hay, sức mua khá yếu nhưng vì lượng hàng Tết vẫn phải luôn đáp ứng đầy đủ nên năm nay công ty đặt kế hoạch tăng 15-20% so với ngày thường. Còn tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, Giám đốc Trương Chí Thiện cũng cho hay, sẽ tăng gấp đôi lượng hàng vào dịp Tết, dự kiến 10 triệu quả trứng một tháng. Với các ngày giáp Tết, lượng hàng cho mỗi ngày dự kiến 500.000-800.000 quả. 2 ngày cuối cùng của năm, công ty sẽ giảm giá cho người tiêu dùng.
Riêng Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), theo Tổng giám đốc Văn Đức Mười, năm nay thị trường cạnh tranh khốc liệt, tổng lượng hàng dự trữ cho Tết khoảng 600 tỷ đồng, xấp xỉ với cùng kỳ năm ngoái. Tết này công ty chủ yếu tập trung đẩy mạnh mặt hàng truyền thống như giò chả các loại nên cũng chỉ có 2 sản phẩm mới là xúc xích vui vui và lạp xưởng tươi", ông Mười nói.
Thi Hà