Tiến sĩ dinh dưỡng Luiza Petre (Hệ thống y khoa Mount Sinai, New York, Mỹ), giảng viên Jennifer Kaplan của Học viện ẩm thực Mỹ, nhà khoa học thực phẩm Janilyn Hutchings (StateFoodSafety, Mỹ) và phó giáo sư Fan Zhihong (Đại học Nông nghiệp Trung Quốc) giải đáp tỉ mỉ về hạn sử dụng của thực phẩm.
Hạn sử dụng
Mọi người thường hiểu sai về khái niệm hạn sử dụng. Đây không phải là khoảng thời gian duy nhất thực phẩm có thể ăn được mà là "thời hạn đảm bảo chất lượng tối ưu của sản phẩm trong điều kiện bình thường".
"Hạn sử dụng chủ yếu liên quan đến chất lượng chứ không phải an toàn", Janilyn Hutchings nói. Ngoại trừ sữa công thức, hệ thống ghi hạn không được quy định hay tiêu chuẩn hóa bởi chính phủ, mà hầu hết chỉ là gợi ý của nhà sản xuất để cho người tiêu dùng biết khi nào sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Ngay cả vẫn còn hạn sử dụng, nếu không bảo quản đúng cách, thực phẩm vẫn có thể hỏng. Ví như sau khi mở bao bì, hạn sử dụng sẽ rút ngắn lại. Ngược lại, nếu thực phẩm đã hết hạn nhưng vẫn bảo quản tốt và không có dấu hiệu hư hỏng vẫn có thể ăn được.
Chuyên gia Jennifer Kaplan bổ sung nhiều loại thực phẩm vẫn có thể sử dụng tốt trong nhiều ngày, tuần hoặc thậm chí cả tháng sau ngày hết hạn. Điều này không có nghĩa bạn hoàn toàn phớt lờ ngày hết hạn, nhưng hãy coi chúng như hướng dẫn thay vì quy tắc nghiêm ngặt.
Cách đánh giá thực phẩm hết hạn
Thực phẩm hết hạn không phải lúc nào cũng cần vứt bỏ. Chỉ cần biết cách đánh giá, bạn sẽ nhận ra nhiều loại vẫn có thể ăn được an toàn. Phó giáo sư Fan Zhihong chỉ các mẹo nhận biết.
Với các thực phẩm có độ ẩm cao (bánh mì, bánh bao), hạn sử dụng thường từ 3-7 ngày. Với thực phẩm khô như bánh quy, hạn sử dụng thường trên một năm khi được đóng kín. Ngay cả khi hết hạn mà không bị ẩm, mùi vị không đổi thì vẫn ăn được.
Thực phẩm đóng hộp có hạn sử dụng thường trên hai năm. Nếu mở ra không thấy mùi lạ, có thể đun nóng và dùng. Nếu hộp bị phồng hoặc gỉ sét, cần bỏ ngay vì đó là dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Hạn sử dụng của sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ tùy thuộc vào loại và cách đóng gói, thường từ 48 giờ đến 7 ngày. Nếu sữa bị vón cục hoặc lắng cặn, phải bỏ đi. Sữa nếu được bảo quản lạnh tốt có thể dùng thêm một tuần sau khi hết hạn. Tuy nhiên, vào mùa hè, cần đun sữa lên. Nếu khi đun có hiện tượng vón cục, sữa đã nhiễm khuẩn và không nên uống.
Xúc xích và thịt chế biến nếu được hút chân không sẽ có hạn đến ba năm. Nhưng nếu có mùi ôi hoặc vỏ ngoài dính nhớt, không nên sử dụng.
Các loại đồ uống đóng chai nếu hết hạn nhưng không có dấu hiệu đục, lắng cặn hay đổi màu và hương vị không thay đổi thì vẫn uống được.
Các loại hạt khô hút chân không có thể để được từ 6 tháng đến một năm. Nếu hạt không bị hỏng khi mở bao, vẫn có thể dùng. Nhưng nếu hạt mềm chứng tỏ đã hút ẩm và dễ mốc, cần bỏ ngay.
Ngoài ra còn có một số thực phẩm không cần hạn sử dụng vì khả năng bảo quản lâu dài.
Gạo trắng nếu được bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát có thể giữ được đến 30 năm mà không mất dinh dưỡng. Nếu để trong tủ đông, gạo gần như không bao giờ hỏng.
Các loại đậu có hàm lượng nước thấp và lượng đường cao trong đậu khô khiến vi khuẩn khó phát triển và trữ được rất lâu trong hộp kín.
Mật ong có lượng nước thấp và nhiều đường, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Nó còn chứa nhiều enzyme kháng khuẩn và có thể bảo quản lâu dài mà không cần chất bảo quản. Tuy nhiên, nếu bảo quản sai cách, mật ong có thể lên men nhẹ, khi đó chất lượng giảm nhưng vẫn an toàn để ăn.
Rượu, giấm có tính kháng khuẩn, trong khi đường và muối hút ẩm tốt, ngăn cản vi khuẩn phát triển. Dù chất lượng có giảm nếu để lâu nhưng vẫn an toàn.
Nước tương đã lên men tự nhiên trong quá trình sản xuất nên gần như không bị hỏng nếu để kín. Sau khi mở nắp, cần quan sát nhiệt độ môi trường để kiểm tra sự biến chất.
Trà đen lên men càng để lâu càng có giá trị và hương vị càng ngon và quý, ví như trà Phổ Nhĩ.
Ngoài ra cũng cần lưu ý các cụm từ ghi ngày trên nhãn:
Vì ngày hết hạn do nhà sản xuất quyết định nên không có tiêu chuẩn thống nhất, dẫn đến việc bạn sẽ thấy các cụm từ như "Best by" (Dùng tốt nhất trước), "Use by" (Dùng trước), "Sell by" (Bán trước), Expiration date/ EXP (Hết hạn sử dụng)...
Mỗi cụm từ này mang ý nghĩa khác nhau và không phải lúc nào cũng là ngày hết hạn thật sự, vì vậy bạn không cần vứt bỏ thực phẩm ngay khi chúng quá hạn một hoặc hai ngày.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang/Bhg)