Bà Thêu (Tứ Liên, Hà Nội) đã đi chợ sớm hơn mọi ngày nửa tiếng để chọn mua những thực phẩm cần thiết cho gia đình dự trữ ngày mưa bão. Tuy nhiên, nhiều bàn thịt đã vãn hàng dù chỉ mới 7h sáng.
Chị Lâm (Đông Anh) bán rau tại chợ Nhật Tân thì cho hay, mọi ngày bán đến 10h mới vãn hàng nhưng hôm nay 8h chị cũng chỉ còn chủ yếu là rau sống. Còn lại, các loại rau củ chị đã bán hết, dù đã buôn nhiều hơn 30% so với mọi ngày.
Chị Hoa, bán hoa quả tại chợ này thì cho biết, tuy giá rau tăng từ 1.000-2.000 đồng một mớ nhưng từ sáng sớm, xe rau muống nào đỗ xuống là mọi người xúm vào mua, chỉ một lát là hết veo. Hiện mỗi mớ rau muống có giá từ 5.000 đến 6.000 đồng.

Tại một số chợ như Cầu Giấy, Khâm Thiên... một số loại rau, củ cũng bán chạy gấp đôi ngày thường. Những mặt hàng hết nhanh là các loại rau, củ để được lâu như bầu, bí đao su hào, su su. Hầu hết những loại này đều tăng giá ít, từ 500 -1.500 đồng mỗi loại. Chị Hằng (Khâm Thiên) cho hay, chúng không tăng giá nhiều vì mọi người chỉ mua để dự trữ phòng mưa bão chứ chưa phải khan hàng. Những ngày mưa liên tiếp vừa qua, rau củ là loại tăng giá nhiều hơn cả, vì các đầu mối cung hàng giảm hẳn.
Những mặt hàng tăng giá nhiều nhất trong ngày là cà chua, từ 13.000 đồng lên 17.000 đồng mỗi kg; đỗ quả cũng tăng 3.000 đồng mỗi kg. Còn lại những loại rau khác không tăng hoặc tăng tương đối chỉ từ 500 -2.000 đồng như rau muống, muống tơi, rau ngót…
Một số mặt hàng thực phẩm như thịt bò cũng tăng 10.000-20.000 đồng, lên 280.000 đồng một kg. Mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản tăng giá từ cuối tuần trước nên nay không biến động nhiều.
Chị Vinh, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết, mỗi ngày trung bình bán khoảng 60-70kg thịt lợn nhưng nhiều hôm ế tới vài cân. Tuy nhiên, khoảng 2 ngày nay, khoảng 6 rưỡi là hết hàng. Sáng 8/3, chị Vinh lấy nhiều hàng hơn mọi hôm nhưng bán cũng khá chạy, đến hơn 10 giờ đã gần hết.
Tại một số tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão như Hải Phòng, Quảng Ninh... giá các loại rau cũng tăng giá nhẹ khoảng 1.000-2.000 đồng. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do nguồn cung giảm. Trước đó, từ đầu tuần mưa kéo dài nên nhiều loại rau khan hơn, nay lại thêm trận bão khiến người dân lo ngại mặt hàng này tiếp tục tăng giá.
Các mặt hàng thịt lợn, bò... việc bán hàng cũng chạy hơn nhờ sức mua của người dân tăng nhẹ. "Khoảng 9-10 giờ tôi đã thấy các quầy vãn hàng. Một phần do lượng người mua đông hơn, một phần do tiểu thương lấy giảm hàng để mong về sớm, tránh bão", một người dân cho hay.
Trong khi đó, ghi nhận tại các siêu thị thì lượng mua lại không biến động như ở các khu chợ dân sinh. Đại diện siêu thị Big C (Hà Nội) cho biết, sức mua và giá cả những mặt hàng thực phẩm như rau, thịt, cá... tại đơn vị này chưa có gì biến động.
"Không có hiện tượng người dân dồn dập đến để mua hàng dự trữ trong vài ngày nay. Có lẽ, họ cũng dự trữ một số thực phẩm nhưng chọn mua gần nhà cho tiện. Về giá cả, riêng thực phẩm là mặt hàng bình ổn nên mỗi lần tăng giá, chúng tôi cũng đều phải có kế hoạch", đại diện Big C lý giải. .
Tại siêu thị Metro, ông Khuất Quang Hưng - phụ trách đối ngoại và truyền thông đơn vị này cũng cho hay giá cả thực phẩm chưa thay đổi do hầu hết các hợp đồng cung cấp hàng được ký lâu dài.
“Cũng có một số đơn vị có đề xuất tăng giá nhưng do hợp đồng ký kết giữa hai bên là dài hạn nên chúng tôi chưa phản hồi lại. Tuy nhiên, kể cả việc điều chỉnh giá cũng không thể quá mạnh được vì đây là mặt hàng bình ổn”, vị này cho hay.
Đại diện một số siêu thị cho biết, sức mua trên thị trường đang yếu nên sẽ chưa điều chỉnh tăng giá vào thời điểm này. Với những đề nghị từ phía nhà cung cấp, các siêu thị sẽ xem xét để cân bằng lợi ích của người tiêu dùng và đơn vị sản xuất.
Nhật An – Ngọc Minh