Theo Guardian, "quy luật 5 giây" dựa trên một niềm tin không có cơ sở khoa học là vi khuẩn sẽ không tấn công thức ăn trong vòng 5 giây, vì thế bạn sẽ không bị ốm nếu ăn đồ được nhặt lên trước thời gian đó.
Người đầu tiên quyết định khám phá "bí ẩn" này là một học sinh trung học Mỹ có tên Jillian Clarke. Cô và các bạn đã thử đặt bánh quy trên nền đất ẩm và gạch khô có vi khuẩn E.coli. Vi khuẩn này gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Kết quả là vi khuẩn nhiễm vào đồ ăn trước khi 5 giây kết thúc và thức ăn trên nền đất ẩm bị tấn công nhanh hơn khi ở trên gạch khô.
Paul Dawson, giáo sư thực phẩm tại Đại học Clemson (Mỹ) đã nhiều năm nghiên cứu về "quy luật 5 giây". Trong nghiên cứu được đăng trên tờ Journal of Applied Microbiology, ông nhận định điều quan trọng là độ sạch của nền nhà chứ không phải thức ăn đã nằm đó bao lâu. Thí nghiệm với bánh mì và mì, giáo sư phát hiện nền đất ẩm khiến thức ăn bị nhiễm 70% vi khuẩn trong khi tỷ lệ này ở nền gạch khô chỉ 1%. Một nghiên cứu tương tự từ Đại học Aston (Anh) chỉ ra thức ăn sẽ bị vi khuẩn tấn công ngay khi chạm xuống bề mặt sàn, số lượng vi khuẩn sẽ tăng gấp 10 lần nếu sàn ẩm.
Giáo sư Dawson kết luận "quy luật 5 giây" là không có thật. Nếu dùng thức ăn rơi xuống khu vực có vi khuẩn, bạn vẫn sẽ bị nhiễm bệnh dù số lượng vi khuẩn ít hay nhiều. Đặc biệt trẻ em và người cao tuổi không nên áp dụng quy luật này bởi hệ miễn dịch không đủ sức đối phó với yếu tố gây bệnh. Trong trường hợp buộc phải nhặt đồ lên ăn, hãy làm nhanh hết sức có thể và chỉ nên nhặt đồ rơi xuống thảm chứ đừng tiếc rẻ nếu biết chắc sàn nhà không sạch sẽ.
Minh Nguyên