![]() |
Đan Trường và nhóm múa Làn sóng nhỏ. |
Tháng 10/2004 là thời điểm Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam. Theo Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật, khi Việt Nam là thành viên của Công ước Berne thì Nhà nước Việt Nam phải bảo hộ quyền cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm của các quốc gia thành viên (hiện có 155 quốc gia thành viên), đồng thời các nước này cũng có nghĩa vụ bảo hộ quyền cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm thuộc Việt Nam, trong đó có những tác phẩm âm nhạc.
Theo thống kê của Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hoá - Thông tin TP HCM, năm 2003 có 460 ca khúc mới nhạc ngoại lời Việt được sử dụng sản xuất băng đĩa nhạc và biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2004, loại ca khúc này được sử dụng lên đến 160 bài. Tỷ lệ trung bình của các ca khúc nhạc ngoại lời Việt trong số các ca khúc được sử dụng sản xuất băng đĩa nhạc và biểu diễn là 1/3. Đây quả là một con số không nhỏ trong tổng số ca khúc đang được khai thác trên thị trường ca nhạc cả nước. Đó là chưa kể đến số ca khúc nhạc ngoại lời Việt đã đưa vào sử dụng những năm trước đó vẫn còn hiệu lực điều chỉnh của Công ước này.
Hầu hết ca khúc nhạc ngoại lời Việt đang lưu hành hiện nay đều không được phép của các tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ở nước ngoài. Theo ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hoá - Thông tin TP HCM, Sở đã có những cuộc họp triển khai việc thực thi Công ước Berne với các trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, các đơn vị hoạt động tổ chức biểu diễn trên địa bàn TP HCM, trong đó có quy định sẽ không cấp phép sản xuất và biểu diễn cho những chương trình ca nhạc sử dụng tác phẩm âm nhạc có nguồn gốc nước ngoài khi chưa có sự chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đó. Như vậy, những ca khúc nhạc ngoại lời Việt không có giấy chứng nhận bản quyền sẽ không được phép sử dụng để sản xuất băng đĩa nhạc và biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp khi Công ước Berne được thực thi tại Việt Nam.
Tuy thời điểm dự kiến Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam là tháng 10/2004, nhưng hiện các công ty, tổ chức môi giới kinh doanh bản quyền của các nước Mỹ, Australia, Canada... đã có mặt tại Việt Nam và đặt quan hệ với các văn phòng luật sư của Việt Nam. Ngoài việc môi giới mua và bán bản quyền, các công ty, tổ chức này sẽ thực hiện giám sát việc thực thi bản quyền của các cá nhân, tổ chức Việt Nam đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật mà thân chủ của họ ở các nước đã ủy thác. Chính sự có mặt của những cơ quan này sẽ triệt tiêu tình trạng ăn cắp, sao chép nhạc nước ngoài của giới sáng tác trong nước như đã diễn ra trong thời gian qua.
(Theo Người Lao Động)