Nghị quyết về ngân sách được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua đặt ra yêu cầu đảm bảo nguồn thu cho ngân sách thông qua việc thu đúng, đủ cổ tức tại các doanh nghiệp có Nhà nước, đang do Bộ, ngành, địa phương làm đại diện sở hữu. Chính phủ mới đây cũng đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách trên.
Theo quy định này, doanh nghiệp được yêu cầu nộp khoản tiền được chia cho phần vốn Nhà nước về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển đặt tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chậm nhất 10 ngày kể từ khi có Nghị quyết về chia cổ tức. Tối đa 3 ngày sau khi các công ty nộp đủ, SCIC phải chuyển toàn bộ số tiền trong quỹ về ngân sách Nhà nước.
Đối với khoản cổ tức đã được nộp về quỹ trong năm nay, SCIC phải nộp vào ngân sách trước ngày 15/12/2013. Số cổ tức này được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương để chi cho các dự án đầu tư phát triển.
Doanh nghiệp Nhà nước phải nộp cổ tức về ngân sách đúng hạn. Ảnh: HH |
Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm 100% vốn cũng phải nộp vào ngân sách phần lợi nhuận còn lại năm 2013 và năm 2014 sau khi đã trích lập các quỹ. Thời hạn nộp trước ngày 10/12/2013 với số lợi nhuận còn lại tạm tính 9 tháng đầu năm 2013. Khi quyết toán năm, số còn lại nộp chậm nhất vào 31/3/2014.
Trường hợp sau khi quyết toán, doanh nghiệp phát hiện thấy số đã nộp vào ngân sách lớn hơn số thực tế phải nộp thì sẽ được hoàn lại số tiền nộp thừa hoặc được giảm trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2013 ngân sách Nhà nước ước hụt thu 63.600 tỷ đồng, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng tăng đã khiến Quốc hội phải chấp thuận nâng trần bội chi lên 5,3%. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã yêu cầu phải thu cổ tức tại các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về SCIC để bổ sung vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hai năm 2013-2014. Tuy nhiên, số phải nộp không bao gồm tất cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà chỉ các doanh nghiệp đã cổ phần nhưng do Bộ, ngành, địa phương làm đại diện sở hữu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải nộp về ngân sách 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ liên doanh Việt - Nga "Vietsovpetro" và các hợp đồng phân chia sản phầm dầu khí, tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí phát sinh năm 2013 - 2014. Doanh nghiệp này chỉ được giữ lại 25% để đầu tư vào các dự án dầu khí trọng điểm và bổ sung vào quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Trước đó, năm 2012 PVN được giữ lại khoảng 5.715 tỷ trong số gần 13.000 tỷ tiền lãi dầu khí chia cho nước chủ nhà năm 2012, tương ứng mức giữ lại 45%. Tuy nhiên, khi ngân sách đang khó khăn, Thường vụ Quốc hội cho rằng PVN nên chia sẻ với khó khăn và giảm khoản giữ lại xuống 25%.
Phương Linh